Theo thống kê, hiện có ít nhất 300.000 người đang bán hàng trên Facebook, hoạt động này thực tế lại ít phổ biến ở những quốc gia khác như Nhật Bản.
Facebook đã nhanh chóng trở thành trang bán hàng trực tuyến tại Việt Nam để giao dịch ngay cả những sản phẩm lớn như ô tô và thậm chí nhà. Dù người Việt Nam vốn rất thận trọng với mua sắm trực tuyến nhưng với Facebook, bằng những bình luận và đánh giá trực tiếp của người dùng về sản phẩm, người mua cảm thấy an tâm hơn.
Chỉ sau vài ngày, một bài viết đăng tải trên Facebook về việc bán những chiếc ô tô điện 2 ghế ngồi với giá từ 32 – 50 triệu đồng đã nhận được gần 300 lượt like. Một vài người để lại bình luận nói rằng họ muốn mua chiếc xe này.
Ban đầu, những bài đăng mang tính thương mại như kể trên chủ yếu là giao bán đồ ăn và mỹ phẩm. Tuy nhiên trong năm qua, những bài rao bán ô tô, nhà, trang sức, nội thất đã xuất hiện ngày một nhiều. Người bán thông thường là các cá nhân, cũng có thể là nhân viên công ty đăng lên Facebook cá nhân của họ.
Một nữ nhân viên văn phòng 34 tuổi bán mỹ phẩm và quần áo nhập khẩu cho biết trung bình mỗi tháng bán ra được 200 triệu đồng tiền hàng. Cô tiếp xúc với khách hàng chủ yếu thông qua chức năng tin nhắn của Facebook.
Cô này cho biết cũng thuê một nhà kho để chứa hàng và chuyển sản phẩm đến tay khách hàng thông qua một công ty vận chuyển có uy tín. “Nhờ bình luận tốt từ bạn bè mà nhiều khách hàng mua cảm thấy rất an tâm. Tôi không thể làm hời hợt bởi sẽ ngay lập tức nhận được những bình luận tiêu cực, từ đó ảnh hưởng tới công việc kinh doanh”.
Theo thống kê của Cereja Technology của Nhật Bản, Facebook hiện có 32 triệu người dùng tại Việt Nam, tương đương với 35,7% dân số – gần gấp đôi con số 19% của Nhật Bản. Người dùng thường có trên 1.000 bạn bè, với một số khác thậm chí có trên 5.000 bạn bè.
Tại Việt Nam, việc kiểm tra Facebook trong giờ làm việc rất phổ biến. Ngoài ra những người làm thêm giờ cũng có thể tranh thủ bán hàng qua Facebook.
Một yếu tố quan trọng khác khiến việc buôn bán qua Facebook trở nên phổ biến tại Việt Nam là do sự vắng bóng của những ông lớn thương mại điện tử như Amazon (công ty này hiện chưa vào Việt Nam do những thách thức về khâu vận chuyển và thanh toán).
Theo Bộ Công thương Việt Nam, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 4 tỷ USD trong năm 2015 – chỉ bằng 1 phần 28 quy mô của thị trường Nhật Bản và con số này được kỳ vọng có thể tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Việc chính thức cung cấp dịch vụ 4G vào năm nay cũng sẽ tạo ra đà tăng trưởng cho xu hướng này.
Tuy nhiên, phương thức kinh doanh qua Facebook như kể trên liệu có thể tiếp tục duy trì và thống lĩnh thị trường được hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Những “ông lớn” như Amazon có thể dễ dàng thành lập một cửa hàng trực tuyến trên Facebook và giành lấy thị phần.
Theo GenK