Đêm qua, trong sự kiện Spring Forward, ngoài các thiết bị như MacBook 12-inch, Apple Watch thì Apple còn mong đến cho cộng đồng người dùng của hãng cùng các lập trình viên một thứ hoàn toàn mới mẻ – ResearchKit. ResearchKit là một bộ khung phát triển phần mềm được Apple cung cấp để giúp việc nghiên cứu y khoa trở nên dễ dàng hơn.

Theo thông tin chính thức từ Apple cho biết, các ứng dụng được tạo ra trên ResearchKit có khả năng thu thập dữ liệu từ một số lượng lớn người dùng thiết bị iOS để giúp các nghiên cứu diễn ra nhanh chóng, chính xác hơn so với các biện pháp thu thập mẫu truyền thống. Ở thời điểm hiện tại đã có 5 ứng dụng viết bằng ResearchKit xuất hiện trên App Store, ngoài việc hỗ trợ người dùng trong chăm sóc sức khoé, những ứng dụng này còn cho người dùng thấy được phần nào kết quả ngay cả trước khi nghiên cứu được kết luận.

Trước đây, ngành y tế từng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu. Cụ thể là các nhà khoa học phải trả một số tiền lớn để mời người lấy mẫu nhưng đôi khi số mẫu vật nghiên cứu lại không thể đủ được, với một số nghiên cứu bị giới hạn về mặt thời gian thì nghiên cứu lại càng phức tạp hơn. Và ResearchKit xuất hiện như một vị cứu tinh trong thời điểm hiện tại, với bộ khung này, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra các ứng dụng cho phép thu thập dữ liệu từ phía người dùng một cách nhanh chóng hơn tuỳ theo ý định của các nhà nghiên cứu.

Ví dụ với người dùng mắc phải bệnh Parkinson, người tham gia sẽ được yêu cầu nhấn hai ngón tay liên tục lên hai nút ảo trên màn hình ứng dụng trên iPhone trong 20 giây. Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu phải nói liên tục chữ “A” vào trong ứng dụng. Ngay sau đó, bạn sẽ thấy được kết quả của mình. Và tất cả dữ liệu trên sẽ được chuyển đến tay cac nhà nghiên cứu để tiếp tục phân tích cặn kẽ hơn. Cần lưu ý là trước khi tham gia nghiên cứu thì người dùng sẽ được yêu cầu kí tên ngay trong ứng dụng, và dữ liệu thu thập sẽ được chuyển ngay đến tay các nhà nghiên cứu, vấn đề bảo mật dữ liệu sức khoẻ là cực kì cao, vì vậy Apple hoàn toàn không thể can thiệp vào nguồn dữ liệu này được.

2994481_Research_Kit_2

Screen Shot 2015-03-10 at 2.33.54 PM

Với động thái ra mắt ResearchKit, Apple muốn mở rộng số lượng đối tượng lấy mẫu, vì hiện tại số lượng người sử dụng các thiết bị iOS ngày càng tăng. Và các thiết bị từ Apple lại được tích hợp sẵn nhiều cảm biến nên người dùng sẽ thấy thoải mái và chủ động về mặt thời gian hơn thay vì phải đi đến các trung tâm. Về phía các nhà nghiên cứu, họ có thể thu thập mẫu một cách dễ dàng, thuận tiện và số lượng lớn hơn mà lại không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc này. Để khuyến khích việc sử dụng ResearchKit phục vụ cho nghiên cứu, Apple đã mở bộ mã nguồn của bộ khung này, và sẽ sớm đưa lên các nền tảng khác trong tương lai. Theo thông tin chính thức từ phía Apple thì ResearchKit sẽ chính thức được cung cấp rộng rãi vào tháng sau và hãng đang làm việc với nhiều trung tâm nghiên cứu y tế cũng như các trường đại học trên thế giới để ứng dụng Researchkit vào thực tiễn.

Screen Shot 2015-03-10 at 2.35.39 PM

Với ResearchKit, liệu trong tương lai Apple có thể thành công với việc trở thành một công ty chăm sóc sức khoẻ người dùng? Ở thị trường hiện tại, các thiết bị theo dõi sức khoẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Và dưới thân phận là một thiết bị “Sinh sau đẻ muộn” thì liệu Apple Watch có thu hút được một số lượng lớn người dùng? Điều đó có lẽ cần phải chờ một thời gian nữa để biết câu trả lời chính xác nhất. Mời các bạn theo dõi TechSignin để nhận được những câu trả lời chính xác nhất về vấn đề này trong thời gian sớm nhất nhé.

Minh Nghĩa

Góc quảng cáo