Apple đang sử dụng một phần mềm độc quyền mới nhằm chuẩn đoán hệ thống, dùng để đánh giá lại thiết bị sau khi sửa chữa MacBook Pro và iMac Pro. Nếu phát hiện linh kiện ngoài luồng từ bên thứ 3 sẽ báo lỗi “hệ thống không hoạt động và sửa chữa thất bại” trước khi khóa máy.
Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các dịch vụ sửa chữa của bên thứ 3, khi mà cửa hàng ngoài đều phải phụ thuộc vào phần mềm trên sau khi sửa các vấn đề liên quan tới cụm màn hình, mạch logic, bàn phím, bàn di chuột, Touch ID… cho đến bo mạch chủ.
Đối với các máy iMac Pro, nếu thay thế mạch logic hay bộ nhớ thì các chức năng liên quan đều bị khóa lại cho tới khi sử dụng Apple Service Toolkit 2 (tên của phần mềm độc quyền nói trên) để chuẩn đoán hệ thống.
Theo các chuyên gia đánh giá, biện pháp này nhằm tăng cường bảo mật cho hãng và đảm bảo an ninh. Những con chip độc quyền này đều phụ trách nhiều chức năng khác nhau trên máy Mac, trong đó có lưu trữ dữ liệu và mã hóa thông tin của người dùng.
Điều này nghe có vẻ hợp lý khi mà phần cứng rất quan trọng trong việc bảo mật tin tức và cần được Apple phê duyệt qua công cụ chuẩn đoán nếu bị thay thế. Mới gần đây nhất là việc tin tặc Trung Quốc bị tố lén cấy các microschip vào máy chủ để lấy cắp dữ liệu.
Trái với ý kiến trên, nhiều nhà phê bình công nghệ và chất thải điện tử cho rằng các nhà sản xuất cố tình làm cho thiết bị khó sửa chữa để kiểm soát thị trường và khuyến khích mua thiết bị mới. Thực tế nhiều năm qua, Apple cùng các nhà sản xuất phần cứng khác đã nỗ lực ngăn chặn việc thông qua những bộ luật mới về việc sửa chữa.
Những bộ luật này buộc các công ty công nghệ phải cung cấp linh kiện cùng hướng dẫn sửa chữa cho các chuyên gia bên thứ 3 và người dùng. Hiện nay 19 bang tại Mỹ đã đề xuất những luật liên quan, nhưng không có tiểu bang nào được thông qua dự luật cấm sử dụng các công cụ chuẩn đoán độc quyền.
Theo The Verge