Tạm gác lại chuyện cạnh tranh, Google và Apple đang chung tay phát triển hệ thống theo dõi tiếp xúc để góp phần hỗ trợ cộng đồng kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, công cụ này lại đặt ra nhiều vấn đề về việc bảo mật thông tin cho người dùng.
Giải pháp mà Google và Apple đề xuất hoạt động bằng cách theo dõi điện thoại người dùng. Smartphone sẽ hoạt động như một trạm tín hiệu định danh, hệ thống theo dõi tiếp xúc sử dụng Bluetooth trên Android và iOS để vận hành.
Cụ thể, trong lúc bạn tiếp xúc với một người nào đó, hệ thống trên điện thoại sẽ trao đổi một khóa định danh. Khi một người dương tính với virus Corona, họ ghi nhận kết quả xét nghiệm vào ứng dụng của các cơ quan y tế địa phương, không nhất thiết phải là ứng dụng của Apple và Google. (Ở Việt Nam, hiện tại người dùng có thể khai báo thông tin y tế tự nguyện thông qua hai ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration). Những ngày sau đó, những người từng tiếp xúc với người dương tính này sẽ nhận được cảnh báo để biết và tự cách ly. Tất nhiên, tên tuổi và thông tin cụ thể về người dương tính sẽ được giữ kín vì lý do riêng tư.
Hai nền tảng iOS và Android sẽ hoạt động như một trạm tín hiệu, giúp bạn theo dõi được những người đã gặp gỡ hàng ngày. Nếu trong đó có người dương tính, bạn sẽ nhận được thông báo để tự cách ly hoặc xét nghiệm Covid-19. Hệ thống theo dõi tiếp xúc sẽ bắt đầu hoạt động trong vài tháng tới. Tháng sau, Apple và Google sẽ tích hợp các giao thức lập trình ứng dụng (API) mới vào những ứng dụng do các cơ quan y tế địa phương phát hành.
Trong khi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang sử dụng các ứng dụng điện thoại để theo dõi và kiểm soát dịch Covid-19 thì những giải pháp tương tự triển khai ở Anh và Mỹ vẫn bị nhiều người hoài nghi. Trên thực tế, mọi người lo ngại về việc bị theo dõi là hoàn toàn chính đáng, vì về cơ bản, ý tưởng mà Apple và Google đang phát triển giống hệt một hệ thống giám sát hàng loạt. Và công cụ này có thể được sử dụng ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
Apple và Google đã xây dựng một số tính năng bảo mật thông tin vào hệ thống và cam kết không thu thập dữ liệu nhận dạng cá nhân, thông tin định vị, đồng thời cam kết danh sách những người từng tiếp xúc sẽ chỉ được lưu duy nhất trên thiết bị của người đó. Khi người dùng đưa thông tin họ bị dương tính với virus Corona trên ứng dụng khai báo y tế tự nguyện (và ứng dụng này kết nối với Apple và Google), hệ thống cần người này đồng ý trước khi gửi cảnh báo cho những đối tượng mà họ đã gặp gỡ trong 14 ngày gần nhất. Nhìn chung, việc cần đến sự đồng ý của người dương tính trước khi cung cấp thông tin cho những người tiếp xúc sẽ làm giảm độ chính xác của hệ thống, nhưng lại giữ được trạng thái tích cực cho người dùng. Họ sẽ là người quyết định có cho phép khai thác dữ liệu cá nhân hay không.
Ở các nước xem trọng quyền riêng tư như châu Âu và Mỹ sẽ không thể áp dụng công cụ này để kiểm soát dịch Covid-19. Dù có sự đảm bảo của Apple và Google, chính phủ Mỹ cũng sẽ đưa ra những biện pháp tích cực để ngăn chặn các nhà phát triển tạo ra ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư “đội lốt” hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Apple và Google đều khẳng định sự ưu tiên hàng đầu khi phát triển hệ thống theo dõi tiếp xúc là bảo mật thông tin riêng tư của người dùng. Rõ ràng vẫn còn quá nhiều câu hỏi đặt ra về phương thức hoạt động của công cụ này, tuy nhiên đây vẫn là một ý tưởng sáng tạo, có thể giúp ích cho việc kiểm soát dịch Covid-19 – ngay cả khi nó gây ra nhiều tranh cãi.