Apple và Google đang áp dụng một số biện pháp tăng cường bảo mật cho công cụ theo dõi liên hệ, sao cho vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa đảm bảo tính riêng tư cho người dùng.
Tính đến hiện tại, đại dịch COVID-19 đã giết chết gần 200.000 người và lây nhiễm hơn 2,7 triệu người trên khắp thế giới. Trong lúc nhiều chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu đang chiến đấu với dịch bệnh, Apple và Google cũng chung tay phát triển hệ thống theo dõi liên hệ để hỗ trợ cộng đồng kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn.
Hai công ty đã bắt tay nhau triển khai công nghệ theo dõi liên lạchơn 1 tháng, với kỳ vọng giúp mọi người nhận được cảnh báo nếu chẳng may tiếp xúc với người dương tính với virus Corona. Khi bắt đầu dự án, CEO của Apple và Google đều hứa hẹn công nghệ này sẽ được đảm bảo những vấn đều riêng tư. Dù hai bên liên tục khẳng định sự ưu tiên hàng đầu khi phát triển hệ thống theo dõi liên hệ là bảo mật thông tin nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại công cụ này bị lạm dụng để can thiệp sâu vào dữ liệu cá nhân người dùng.
Để hạn chế mối lo, Apple và Google cho biết người dùng được quyền chọn kích hoạt tính năng theo dõi liên hệ hoặc không. Hai hãng sẽ cung cấp công cụ lập trình cho các nhà phát triển từ giữa tháng Năm. Thông qua đó, các cơ quan y tế có thể xây dựng hoặc nâng cấp ứng dụng. Cuối năm nay, Apple và Google có kế hoạch cung cấp bản cập nhật phần mềm cho hơn 2 tỷ thiết bị hoạt động trên toàn thế giới.
Táo Khuyết cho biết công cụ theo dõi tiếp xúc sẽ được áp dụng trên mọi thiết bị chạy hệ điều hành iOS 13, từ iPhone 6S trở lên. Apple và Google đã bắt đầu thảo luận về dự án này từ hai tuần trước, chia sẻ công khai các tài liệu về kế hoạch cho các nhà nghiên cứu bảo mật, đối tác và nhà phê bình như một cách để giám sát công nghệ và quyền riêng tư.
Để đảm bảo tính bảo mật, Apple và Google sẽ thay đổi chương trình theo dõi liên hệ, sử dụng mã hóa tốt hơn, xáo trộn tất cả thông tin nhận dạng để đảm bảo người dùng không bị theo dõi. Hai hãng cũng đang cố gắng áp dụng công nghệ để bảo vệ cả những thông tin nhận dạng ít quan trọng, như kiểu điện thoại, cường độ tính hiệu truyền đi…
Apple và Google đang muốn hợp tác với các tổ chức y tế để cùng xây dựng ứng dụng y tế. Hai hãng sẽ cung cấp các biện pháp hỗ trợ để xây dựng các phần mềm. Đối với các tổ chức y tế không muốn tự tạo ứng dụng, họ có thể sử dụng ứng dụng trên nền tảng Apple và Google xây dựng sẵn.
Hai hãng công nghệ đang dự định thay đổi thuật ngữ “theo dõi liên hệ” đang sử dụng để giúp mọi người hạn chế những mối lo về quyền riêng tư. Thay vào đó, công cụ này sẽ được gọi là “theo dõi phơi nhiễm” để mô tả chính xác công dụng của nó. Mặt khác, Google và Apple cũng nhấn mạnh chương trình này luôn ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của mọi người.
Vẫn chưa rõ dự án của Google và Apple có thành công hay không. Hai hãng cho biết vấn đề cần thiết nhất hiện tại là số lượng người tối thiểu chọn tham gia dự án để hệ thống vận hành hiệu quả. Theo các chuyên gia phân tích, phải có ít nhất một nửa dân số thế giới chọn tham gia thì dự án mới thành công, tức là Google và Apple phải thuyết phục hàng tỷ người đồng ý sử dụng công cụ theo dõi phơi nhiễm.
Apple và Google đã cam kết sẽ hủy hệ thống, không sử dụng những dữ liệu trong đó sau khi dịch COVID-19 kết thúc. Cụ thể, hai bên sẽ tắt giao thức lập trình ứng dụng (API) được xây dựng để vận hành các ứng dụng y tế công cộng. Dù vậy, các chuyên gia an ninh mạng vẫn muốn có một biện pháp cụ thể để kiểm chứng, đảm bảo Apple và Google tuân thủ cam kết.
Về cơ bản, dịch vụ theo dõi liên lạc hoạt động bằng cách cho các thiết bị hoạt động trên nền tảng iOS hoặc phần mềm Android giao tiếp với nhau, gửi tín hiệu thông qua Bluetooth có sẵn trên máy. Cụ thể, trong lúc bạn tiếp xúc với một người nào đó, hệ thống trên điện thoại sẽ trao đổi một khóa định danh. Khi một người dương tính với virus Corona, họ ghi nhận kết quả xét nghiệm vào ứng dụng của các cơ quan y tế địa phương, không nhất thiết phải là ứng dụng của Apple và Google.
Tháng trước, Google vừa cam kết hỗ trợ hơn 800 triệu USD cho một số cơ quan, doanh nghiệp nhỏ ứng phó với khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Apple và Google cũng đang triển khai sản xuất và phân phối thiết bị bảo hộ để chăm sóc sức khỏe nhân viên.