Nếu đang gặp vấn đề với bàn phím của Macbook, chắc chắn bạn không phải người duy nhất. Và Apple có thể sắp phải ra tòa vì chuyện này.
Một lá đơn khiếu nại được gửi lên tòa án quận Bắc California (Mỹ) hồi cuối tuần cho biết nhiều người mua máy Macbook hoặc Macbook Pro có trang bị bàn phím Butterfly gặp tình trạng phím không phản hồi hoặc lỗi khi gõ. Phía nguyên đơn cáo buộc Apple không cảnh báo khách hàng về vấn đề này.
Hiện Táo Khuyết chưa có phản hồi về thông tin trên.
Vụ việc được biết đến thông qua các bài đăng trên blog, tweet, bình luận từ diễn đàn hay video trên trang mạng phàn nàn về lỗi của thiết kế bàn phím này.
Apple giới thiệu bàn phím dạng Butterfly từ năm 2015, mẫu đầu tiên sử dụng là Macbook 12 inch. Sự thay đổi cơ chế phần cứng bên dưới mỗi phím được Apple quảng cáo trên trang chủ nhằm mục đích giúp bàn phím ổn định, độ phản hồi tốt hơn và mang lại cảm giác gõ thoải mái. Nhưng với nhiều người dùng, đây là quảng cáo láo.
Không ít khách hàng của hãng phàn nàn vì không có máy sử dụng cả tuần trời trong lúc đợi Apple thay thế bàn phím bị lỗi trên Macbook gửi đi bảo hành. Nếu đen đủi, chủ máy hết bảo hành sẽ phải trả chi phí thay thế lên tới 700 USD. Tại Việt Nam, trung tâm bảo hành ủy quyền báo giá thay phím hơn 10 triệu đồng trong trường hợp này.
Trong thư khởi kiện, nguyên đơn cũng buộc tội Apple thiếu trách nhiệm đối với vấn đề trên. Đội hỗ trợ khách hàng Apple từng đăng hướng dẫn làm sạch bàn phím sử dụng máy thổi khí nén, tuy nhiên nhiều người khẳng định cách này không hữu dụng, hoặc vấn đề sẽ tái diễn.
Đơn kiện liệt kê các máy Macbook từ năm 2015 và dòng Macbook Pro sản xuất từ 2016 trong danh sách thiết bị gặp trục trặc. Nguyên đơn cho biết có hàng nghìn khách hàng gặp tình trạng này.
Trong phần yêu cầu đối với vụ án, nhóm nộp đơn yêu cầu Apple phải “tiết lộ đầy đủ những khiếm khuyết của Macbook” và “trả lại cho các nguyên đơn tất cả chi phí liên quan đến việc sửa chữa hoặc thay thế máy tính xách tay Macbook bị lỗi, bao gồm nhưng không giới hạn thiệt hại kinh tế từ việc mua sản phẩm”.
Girard Gibbs Ltd., công ty luật đại diện cho nguyên đơn từ chối đưa thêm bình luận về vụ việc.
Theo Cnet