The Information vừa công bố một số mẫu chuyện thú vị về các biện pháp Apple thực hiện để ngăn chặn rò rỉ các sản phẩm chưa được phát hành.

Apple bị đánh cắp công nghệ như thế nào?

Rò rỉ thiết kế và thông tin kỹ thuật rất phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử, nhất là công nghệ sản xuất smartphone. Nổi bật nhất là vụ trộm xảy ra năm 2013, một nhân viên kho làm việc tại nhà máy Jabil (Trung Quốc) – đối tác sản xuất của Apple, đã đánh cắp trót lọt một túi đầy vỏ iPhone 5C.

Anh ta đã làm giả số liệu và vượt qua toàn bộ hệ thống camera an ninh nhờ sự giúp đỡ của nhân viên bảo vệ. Kết quả là trước khi iPhone 5C ra mắt, hình ảnh sản phẩm đã tràn ngập trên Internet và các phương tiện truyền thông, làm hỏng sự kiện ra mắt của Apple vào tháng 9 năm đó.

Sau đó Táo Khuyết đã thành lập Nhóm Bảo mật Sản phẩm mới (NPS) để bảo vệ và ngăn chặn phát tán thông tin bí mật của những thiết bị sắp được tung ra thị trường. Cụ thể, NPS sẽ giám sát chặt chẽ các nhà cung cấp và công ty lắp ráp thiết bị tại Trung Quốc, niêm phong cẩn thận các thiết kế, phương pháp, sơ đồ thiết bị và những thành vật vật lý của linh kiện để tránh rò rỉ thông tin.

Ngoài ra, Apple còn thắt chặt một số nội quy, như phải làm sạch túi rác và sàng lọc kim loại trước khi mang ra khỏi nhà máy, thùng chứa được niêm phong bằng nhãn dán chống giả mạo, tính hàng tồn kho hàng ngày… Các công ty đối tác làm rò rỉ thông tin phải chịu khoản tiền phạt hàng triệu USD.

NPS từng bắt gặp trường hợp những công nhân làm việc trong nhà máy Apple cố gắng đào đường hầm dưới lòng đất để mang linh kiện iPhone ra bên ngoài. Thực tế cho thấy rất nhiều hình ảnh và công nghệ mới bị rò rỉ bởi chính những nhân viên đang làm việc tại nhà máy sản xuất. Trường hợp khác, hai công nhân tại Jabil đã điều chỉnh lượng hàng tồn kho trên hệ thống và đánh cắp 180 vỏ iPhone 6 và bán ra chợ đen. Apple đã phát hiện và mua lại toàn bộ.

Tuy nhiên, Apple thường không báo cáo với cơ quan pháp luật về những sự cố như thế này. Một phần vì những vụ trộm cắp thường xảy ra ở nước ngoài, mặt khác nếu khởi kiện sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông, hãng không muốn làm lộ nhiều thông tin về sản phẩm chưa phát hành.

Theo The Information, khi làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, Apple sẽ bị yêu cầu cung cấp các mô tả sản phẩm về những thiết bị bị đánh cắp. Hãng thường chọn im lặng thay vì phải chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, những kẻ trộm thường chỉ bị xử phạt dựa trên giá trị món hàng, không bao gồm tài sản trí tuệ nên mức án không đủ răn đe. Đây là lý do khiến việc đánh cắp thiết bị của Apple xảy ra thường xuyên. Bằng chứng là hình ảnh thiết kế iPhone 11 đã bị rò rỉ, bất chấp sự cố gắng của hãng công nghệ Mỹ.

Theo The Verge

Góc quảng cáo