Đã đến lúc cần có đạo luật nghiêm ngặt hơn, buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về những nội dung độc hại trên nền tảng của mình.

Anh lên kế hoạch trường phạt Facebook và Google vì nội dung độc hại

Các cơ quan quản lý Anh vừa đề xuất kế hoạch trừng phạt Facebook, Google và một số tập đoàn công nghệ khác vì đã lơ là kiểm soát những nội dung không lành mạnh. Động thái này góp phần bắt buộc ngành công nghiệp mạng phải có trách nhiệm hơn với lượng thông tin mình đang quản lý.

Kế hoạch được soạn thảo bởi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hàng đầu nước Anh, được Thủ tướng Theresa May ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của những nội dung xấu, bao gồm lạm dụng trẻ em, tin tức giả mạo, hoạt động khủng bố, bạo lực cực đoan… đang lan truyền vô tội vạ trên Internet.

Nếu được Quốc hội thông qua, các cơ quan giám sát của Anh sẽ được trao quyền đưa ra hình phạt trong trường hợp các nền tảng xã hội không gỡ bỏ bài viết chứa nội dung độc hại. Nhiều quan chức đang hy vọng kế hoạch trên sẽ biến nước Anh trở thành nơi có môi trường Internet an toàn nhất thế giới.

Tài liệu nêu rõ, giám đốc của những công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu nền tảng của họ không an toàn. Kế hoạch cũng yêu cầu xem xét để các cơ quan quản lý được quyền giám sát những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nhằm hạn chế quyền truy cập vào các nội dung độc hại.

Nhiều chuyên gia hy vọng ý tưởng này có thể hạn chế sự lan truyền của một số trang web bạo lực ẩn danh, như việc truyền bá hình ảnh cuộc tấn công nhà thờ Hồi giáo tháng trước ở New Zealand.

“Internet rất tuyệt vời khi kết nối mọi người trên khắp thế giới với nhau. Tuy nhiên những công ty này đã không có biện pháp bảo vệ người dùng khỏi các nội dung độc hại, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên”, bà May cho biết.

Quy tắc mới của Anh chắc chắn sẽ tác động mạnh đến ngành công nghệ thông tin toàn cầu, các doanh nghiệp đã trì hoãn và chối bỏ trách nhiệm trên nền tảng của mình quá lâu. Đáng lẽ họ phải có ý thức sớm hơn và chủ động dọn dẹp những nội dung độc hại trước khi mọi thứ trở nên mất kiểm soát. Bằng chứng là, dù cả Facebook, Google và Twitter đều đã đầu tư rất nhiều tiền để ngăn chặn các thông tin xấu trên nền tảng của mình, nhưng vẫn chưa thấy nhiều cải thiện.

Anh không phải nước đầu tiên lên kế hoạch trừng phạt. Sau vụ xả súng hồi tháng 3 tại New Zealand, Úc đã tiến hành áp dụng triệt để bộ luật riêng. Điều này đã khiến cho các nước châu Âu phải bắt đầu lên kế hoạch tương tự nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn.

Ngược lại, Mỹ có vẻ thờ ơ với vấn đề này, cơ quan luật pháp liên bang được xem là nơi đã che chở cho nhiều tập đoàn truyền thông hàng thập kỷ nay. Họ đã lợi dụng các đạo luật lỏng lẻo để chối bỏ trách nhiệm về những nội dung độc hại được đăng trên chính nền tảng của mình. Các nhà lập pháp nước này đang thận trọng xem xét vấn đề vì lo ngại việc hạn chế phát ngôn sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số và Văn hóa Anh, ông Jeremy Wright, đã khẳng định: “Thời đại tự điều chỉnh của những doanh nghiệp trực tuyến đã qua”.

Đáp lại, Facebook nhấn mạnh vào các khoản đầu tư gần đây để phát hiện và loại bỏ nội dung xấu một cách hiệu quả hơn. Đồng thời hãng cho biết, ngoài việc bảo vệ xã hội khỏi những tác động xấu, nước Anh cũng nên chú ý đến quyền tự do ngôn luận và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.

Twitter nói rằng hãng sẽ hợp tác với chính phủ để “đạt được sự cân bằng giữa việc giữ an toàn cho người dùng và bản chất tự do trên Internet”. Trong khi đó, Google không đưa ra bình luận nào.

Hiện tại những kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy nhưng sẽ sớm được thông qua. Những nhà lập pháp sẽ thành lập một cơ quan quản lý độc lập, có trách nhiệm đôn đốc các công ty giám sát chặt chẽ nền tảng của mình và đảm bảo sự an toàn cho người dùng.

Nhiệm vụ của cơ quan này rất lớn, họ phải kiểm soát tất cả mọi phương tiện truyền thông xã hội từ lớn như Facebook, Google đến những diễn đàn, trang web nhỏ hơn… tập trung chủ yếu vào nội dung gây hại cho trẻ em hoặc rủi ro an ninh quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan này còn đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét lại tác hại của nội dung, trong trường hợp những thông tin đăng tải hợp pháp nhưng lại gây thiệt tại tới cá nhân hoặc cuộc sống người dân.

Còn nhiều chi tiết chưa được xác định rõ ràng như: nội dung nào là có hại, các công ty phải gỡ bỏ các thông tin này trong bao lâu… Các nhà quản lý Anh cho biết sẽ thúc đẩy những doanh nghiệp minh bạch hơn với người dùng và nói rõ lý do vì sao nội dung bài bị gỡ xuống.

“Bất chấp lời kêu gọi hành động của chúng tôi, những nội dung độc hại bất hợp pháp như lạm dụng trẻ em và khủng bố vẫn tồn tại tràn lan trên mạng. Đó là lý do tại sao chúng tôi buộc phải có biện pháp khác, yêu cầu những công ty này quét sạch tất cả các nội dung độc hại khỏi mạng Internet, một lần và mãi mãi”, Sajid Javid – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh cho biết.

Theo: Washington Post

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo