Ấn Độ cho biết họ có ý định khởi động đấu thầu mạng lưới 100 gigawatt điện mặt trời, gấp 10 lần quy mô đấu thầu năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng đất nước này không có đủ cơ sở hạ tầng cũng như nhu cầu năng lượng để lắp đặt một lượng lớn pin mặt trời. Họ cho rằng tuyên bố trên của Ấn Độ chỉ thể hiện tham vọng của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này – trở thành một nước đi đầu trong năng lượng tái tạo.
Đây là một trong nhiều lời hứa về năng lượng xanh được chính phủ Ấn Độ đưa ra trong tháng này (do giá các loại nhiên liệu tái tạo liên tục giảm), cùng với những đề xuất về các dự án khai thác than như mỏ Adani Group ở Queensland, Australia.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ R.K. Singh đã chủ trì lễ đấu thầu dự án năng lượng mặt trời công suất 100 gigawatt tại Delhi tuần trước. Trong khi thảo luận về hồ sơ dự thầu với con số kỷ lục thế giới là 10 gigawatt sẽ khởi công vào tháng 7, ông Singh nói: “Bây giờ (chúng tôi) sẽ bắt đầu đấu giá một lakh megawatt năng lượng mặt trời, bao gồm cả quá trình sản xuất và lưu trữ”.
Một lakh tương đương 100.000 trong hệ thống đánh số Nam Á, tương đương với 100 gigawatt.
Văn phòng của ông cũng xác nhận với tờ The Guardian kế hoạch năng lượng mặt trời trên, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin ngoài việc buổi đấu thầu sẽ diễn ra “trong tương lai gần”. Thông báo đột xuất này khiến một số chuyên gia về năng lượng cho rằng không thực tế và không cần thiết.
Như ông Vinay Rustagi, giám đốc điều hành của Bridge to India, một công ty tư vấn năng lượng tái tạo nói: “Có rất nhiều khó khăn trong hoạt động đối với kế hoạch về mặt đất đai, kết nối truyền dẫn. Ai sẽ mua và trả tiền cho những tháp truyền này.”
Còn Tim Buckley, giám đốc của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, cho biết: “Tôi không thực sự hiểu ý nghĩa của gói thầu 100 gigawatt này”. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng kế hoạch này là một “tuyên bố tuyệt vời”.
Delhi cho biết sẽ nâng mục tiêu của mình về lượng năng lượng mặt trời mà họ có kế hoạch lắp đặt vào năm 2022 lên hơn 227 gigawatt. Mục tiêu trước đó của họ, cũng đầy tham vọng, là con số 175.
Tới nay đã có khoảng 70 gigawatt đã được lắp đặt và còn 40 nữa đang trong quá trình thi công hoặc được đưa ra đấu thầu, theo số liệu của chính phủ hồi tháng 6.
Theo Tim Buckley, với tình hình hiện tại, Ấn Độ có thể sẽ không đạt được mục tiêu 227 gigawatt năng lượng mặt trời. Ông nghĩ chính phủ Ấn Độ đặt ra một mục tiêu đầy khát vọng như vậy để thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Ngoài thực tế là Ấn Độ không cần thêm năng lượng nữa, còn có những hạn chế về tốc độ bổ sung hạ tầng mà chính phủ của quốc gia này cần tính tới.
Rustagi cho biết: “Ấn Độ không phải là một quốc gia thiếu điện năng. Sự tăng trưởng nhu cầu nhìn chung là ổn định ở mức 4% đến 5%, và lưới điện quốc gia cũng đã được bổ sung lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu gia tăng này.”
Hơn 200 triệu người Ấn Độ vẫn sống mà không có điện sinh hoạt thường xuyên. Người Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ sử dụng điện bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới, đặc biệt là những người mới được kết nối với lưới điện.
“Đây chủ yếu là các hộ gia đình nông thôn tương đối nghèo với rất ít nhu cầu về điện. Ngay cả khi tất cả 250 triệu người này bỗng nhiên có điện sinh hoạt vào năm tới, phân tích của chúng tôi cho biết nhu cầu sử dụng điện toàn quốc chỉ tăng khoảng 1%.” Ông Rustagi nói.
Sự phát triển của điện mặt trời đang đẩy ngành than vào vùng nguy hiểm. Vào năm 2010, Ấn Độ đã lên kế hoạch tăng cường phát triển gần như hoàn toàn bằng cách sử dụng nhiệt điện than, với sản lượng khoảng 600 gigawatt từ các dự án nhà máy điện than. Kế hoạch này rõ ràng là một thảm hoạ đối với các nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính và nóng lên toàn cầu theo hiệp định môi trường Paris.
Với việc giá nguyên liệu để sản xuất điện năng sạch giảm mạnh và ảnh hưởng của năng lượng hoá thạch lên môi trường ngày càng rõ ràng, chính phủ Ấn Độ buộc phải đổi hướng phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển bền vững và đi đầu trong những công nghệ thân thiện với môi trường.
“Chúng ta đã bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ hai. Chúng ta bắt kịp với cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhưng chúng ta cần phải dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo này”. Singh nói tại một sự kiện ở thủ đô Delhi vào thứ 6.
Ấn Độ đã hoãn hoặc hủy gần 550 dự án than nhiệt trong bảy năm qua, Buckley nói. Nhiều dự án có khả năng bị hủy vì giá năng lượng tái tạo liên tục giảm: một báo cáo do Bloomberg New Energy Finance ước tính chi phí năng lượng mặt trời và gió ở Ấn Độ hiện nay rẻ hơn 50% so với than đá.
Ngài Bộ trưởng cho biết than đá vẫn sẽ là một phần quan trọng trong tổ hợp năng lượng của Ấn Độ vì đây là “xương sống” của năng lượng tái tạo.
Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng tỷ lệ sử dụng năng lượng than của quốc gia này sẽ tiếp tục giảm – và nhu cầu thấp có thể dễ dàng được đáp ứng bởi các mỏ than nội địa, đặt câu hỏi về nhu cầu cho các dự án mới được đề xuất như mỏ Carmichael ở lưu vực Galilee tại Queensland, Australia .
Ông Rustagi nói: “Nhu cầu nhiệt điện ở Ấn Độ tăng rất ít. Tôi không hiểu tại sao phải thực hiện một dự án quốc tế lớn (như mỏ Carmichael)… trong khi chúng ta có đủ than đá trong nước”.
Theo: The Guardian