Threadripper nhiều khả năng sẽ trở thành con chip cho máy để bàn mạnh nhất thế giới khi nó được tung ra vào tháng Tám tới đây. Với 16 nhân và 32 luồng, Threadripper đang khiến đối thủ Intel phải lo lắng. Mặc dù hiện tại Intel vẫn đang dẫn đầu về mảng này.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
AMD tung ra Threadripper tại Computex

Những thông tin đã biết về Threadripper

  • Con chip Ryzen Threadripper 1950X có 16 nhân hỗ trợ công nghệ SMT với 32 luồng dữ liệu. Xung nhịp cơ bản là 3.4 GHz, có thể ép xung lên đến 4GHz
  • Con chip Ryzen Threadripper 1920X có 12 nhân hỗ trợ công nghệ SMT với 24 luồng dữ liệu. Xung nhịp cơ bản là 3.5 GHz, có thể ép xung lên đến 4GHz
  • Cả 2 con chip đều hỗ trợ tới tận 64 khe PCI-E
  • Bộ nhớ: Quad-channel  DDR4
  • Nền tảng: X399 với socket TR4 mới, không tương thích với các con chip Ryzen hiện tại.
  • Cả 2 con chip đều được mở tính năng ép xung
  • Ngày ra mắt: Các máy tính chạy Threadripper sẽ được bán ra từ 27/7. CPU và bo mạch chủ sẽ được bán ra vào đầu tháng 8.
  • Alienware hiện đang là là công ty duy nhất có bán Threadripper trên toàn thế giới, nhưng sắp tới sẽ có thêm nhiều nữa
  • Cả 2 con chip có mức tiêu thụ điện năng là 180 TDP
  • Threadripper hỗ trợ tới 1TB RAM nếu bạn dùng 8 thanh 128GB LR-DIMMs
Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
TR4 Socket, ngôi nhà mới của Threadripper

Threadripper giá bao nhiêu?

AMD đang có kế hoạch phá giá thị trường trong năm nay và Threadripper đã sẵn sàng để vào cuộc. Con chip Ryzen Threadripper 16 nhân 1950X sẽ có giá 1000 USD, trong khi con chip 12 nhân 1920X sẽ có giá 800 USD.

Bạn thấy giá đó thế nào? Có đủ phá giá chưa? Nêu ra đây một chút để các bạn thấy. Con chip Core i9, 16 nhân 7960X của Intel có giá 1700 USD và con chip 12 nhân i9 7920X có giá 1200 USD. Dễ dàng để thấy rằng Threadripper đánh bật i9 về giá. Hai con chip Core i5 và i7 của Intel thì lại bị Ryzen 5 và Ryzen 7 của AMD xử đẹp.

Hiệu năng của Threadripper mạnh đến đâu?

Chúng ta sẽ vẫn chưa biết được sức mạnh thật sự của Threadripper cho đến khi được sờ vào tận tay để test thử. Hiện tại thì chỉ có thể đoán được sức mạnh của Threaripper bằng cách xem review của Ryzen 5 và Ryzen 7 rồi áng chừng thôi.

Tuy nhiên, AMD cũng đã cung cấp một vài kết quả test thử nghiệm. Con chip thực sự rất nhanh trong các tác vụ đa nhiệm. Theo kết quả từ phòng thí nghiệm của AMD, CEO của công ty là Lisa Su đã khoe điểm Cinebench R15 của Threadripper 12 nhân 1920X là 2,431 điểm.

Điểm này đủ cao để “đập chết, ăn thịt” con chip Core i9 7900X của Intel với chỉ 2,167 điểm. Tới khi Threadripper 16 nhân 1950X ra tay thì còn kinh khủng hơn nữa. Con chip này đạt tới 3,062 điểm.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
Threadripper 1920X giá $800 hạ gục Core i9 7900X giá $1000

Ta vẫn phải lưu ý một điều rằng cấu hình test chi tiết không được cung cấp. Thế nên cũng chưa nên vội đưa ra nhận định gì. Tuy nhiên, dựa vào kết quả test của Ryzen 5 và Ryzen 7 thì có thể thấy hiệu năng này của Threadripper là không có gì ngạc nhiên. Con chip mới này hoàn toàn có khả năng đạt được điểm số ấn tượng đó.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
Điểm Cinebench của Threadripper so với các CPU khác

AMD cũng đảm bảo hiệu năng của 2 con chip này luôn ở mức tốt bằng việc đặt xung mặc định khá cao. Con chip 16 nhân Threadripper có xung 3.4 GHz. Con chip 12 nhân thì cao hơn một chút, 3.5 GHz. Mặc dù cả hai đều có thể hoạt động ở mức xung cao hơn, tuy nhiên, con số mặc định là khá ổn để đảm bảo mức hoạt động tốt. Nên lưu ý một điều rằng hai con chip này có rất nhiều nhân so với mặt bằng chung.

Thông thường thì các con chip càng to thì sẽ càng khó để có xung nhịp cao. Bởi lẽ, khi có kích thước lớn thì lượng nhiệt tỏa ra cũng sẽ rất lớn, lượng điện tiêu thụ cũng lớn. Ví dụ, con chip Intel Xeon E5-4660 16 nhân có xung cơ bản 2,2 GHz chạy khá nuột nà. Trong khi đó Core i9 7900X có xung 3.3 Ghz thì đang bị mang tiếng là chạy khá nóng đặc biệt là khi bị ép xung.

Cuộc đua này sẽ chưa có kết quả ngay cho đến khi chúng ta được tận tay sờ vào Threadripper. Vậy nên các bạn hãy chờ, mình sẽ update ngay thêm thông tin khi có thể.

Hỗ trợ tận 1TB RAM 

Nói thật đấy, không đùa đâu. Threadripper có thể hỗ trợ tới 1TB RAM nếu bạn dùng cả 8 khe cắm RAM. Mỗi khe dùng 1 thanh 128GB LR-DIMMs hoặc Load Reduced DIMMs là đủ 1TB rồi. LR-DIMM RAM này hơi khác với Registered DIMMs một chút. Registered DIMMs dùng 1 con chip đề truyền tín hiệu trực tiếp từ CPU tới bộ nhớ. Trong khi LR-DIMM RAM sử dụng một bộ nhớ đệm để điều hướng dữ liệu và tập lệnh.

Cả hai loại RAM này đều có giá khá là chát. Một thanh 32GB LR-DIMM  DDR4/2133 giá tận 1.100USD. Thế nên bạn có thể tự tưởng tượng giá một thanh 128GB LR-DIMM sẽ là bao nhiêu đi.

Thực tế thì nếu bạn là người dùng thông thường thì sẽ chả bao giờ cần tới 1TB RAM làm gì cả. Tuy nhiên, đó vẫn là khả năng của con chip mà bạn có thể đem ra lòe đám bạn dùng Intel Core i9 được.

Còn cả phiên bản Threadripper 10 và 14 nhân

Hiện tại AMD chỉ cung cấp thông tin về phiên bản 16 nhân và 12 nhân của Threadripper. Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng sẽ còn có phiên bản 12 nhân và 14 nhân. Và điều này là hoàn toàn có cơ sở khi một số nguồn tin bị lộ từ phía AMD cho biết gia đình Threadripper vẫn còn các thành viên nữa. Hơn thế, ban điều hành của AMD đã từng nói với PCWorld rằng họ chưa chắc rằng như vậy (chỉ có 16 và 12 nhân) đã là đủ để đối chọi với Intel.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
Threadripper thật sự rất to. Trong hình là so sánh kích thước Socket TR4 và miếng dán bảo vệ của Core i9

Thế còn chipset X399 mới ?

Tại hội chợ Computex, AMD đã tiết lộ rằng Threadripper sẽ hỗ trợ tới 64 khe cắm PIC-E và quad-channel RAM trên chipset X399. Tuy nhiên đó là tất cả những gì chúng ta biết. Các thông số khác của chipset này vẫn chưa được tiết lộ. Cái mà chúng ta biết chắc chắn nữa là socket TR4  trông to vật vã.

Threadripper sẽ là con chip đầu tiên của AMD không có chân cắm. Thay vào đó nó sẽ tiếp xúc với mainboard bằng socket LGA như các con chip của Intel vậy. Nói cách khác, các chân cắm của Threadripper không nằm trên con chip mà nằm trên bo mạch chủ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không lo chẳng may vô ý làm gãy chân chip nữa rồi. Hay quá phải không.

Nhưng tin buồn là bạn vẫn có thể làm gãy chân cắm trên mainboard và làm hỏng nó.

Một thông tin khác mà AMD tiết lộ đó là lượng nhiệt tối đa mà con chip có thể tỏa ra và nó khá là ấn tượng. Bên cạnh đó,  AMD cho hay cả hai con chip mới này có công suất tiêu thụ 180 wat. Con số này ở đối thủ Core i9 là  140 wat.

Bạn đừng nên vội kết luận rằng thế là quá nóng hay quá lạnh. Bạn nên nhớ một điều rằng Intel và AMD không sử dụng cùng một định nghĩa cho công suất thoát nhiệt (Thermal Design Point) đâu. Core i9 cũng đang phải nhận khá nhiều gạch đá về việc quá nóng rồi.

Thêm một fun-fact khác cho bạn: 16-core Ryzen Threadripper 1950X có công suất 180 wat vẫn ít tốn điện hơn cụ già 8 core AMD FX 9590 CPU với công suất 220 wat.

Thế còn Core i9 thì sao?

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
Gia đình Core X Series và dòng sản phẩm Core i9

AMD không phải là công ty duy nhất sản xuất những con chip khủng cho người dùng thông thường. Mặt trận này còn có Core i9 hay còn gọi là Skylake X của Intel nữa. Theo những review mới nhất của PCWorld thì có thể thấy Core i9 khá là nhanh. Tuy nhiên nó cũng không quá nhanh. Và lời cảnh báo dành cho Intel đang đến gần khi ngày ra mắt Threadripper sắp đến.

Threadripper dự kiến sẽ được ra mắt vào tháng 8 tới đây. Trước mắt kế hoạch của Intel chỉ là tung ra thêm phiên bản 12 nhân Core i9 nữa để chiến đấu mà thôi. Còn phiên bản 14, 16 hay 18 nhân thì sao? Chắc là sớm nhất cũng phải sau tháng 10 ta mới có thêm thông tin. Vậy có nghĩa là Threadripper sẽ vẫn là bá đạo nhất trong vài tháng sau khi ra mắt.

Bạn có thật sự cần một CPU nhiều nhân như vậy không?

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?

Bạn nào hay nén, convert Video chắc có biết Handbrake. Đây là một tool rất mạnh và hỗ trợ nhiều định dạng video. Và tool này cũng ngốn CPU thuộc dạng khủng khiếp. Tuy nhiên, ngay cả Handbrake cũng không thể tận dụng hết tài nguyên của 18 nhân với 36 luồng được. Thế nên bạn nên cân nhắc xem mình liệu có sử dụng hết tài nguyên không nhé.

Intel và AMD đang chiến đấu khá là căng thẳng trên mặt trận nhiều nhân. Thế nên người dùng thường nghĩ rằng cứ nhiều nhân là sẽ nhanh hơn. Sự thật thì còn tùy.

Bạn cần bao nhiêu nhân phụ thuộc vào bạn muốn làm gì rất nhiều. Nếu bạn chơi gamne, nhiều nhân cũng chưa chắc làm bạn chơi game mượt hơn. Tuy nhiên, nêu bạn là người edit video, dựng hình 3D hoặc chạy các ứng dụng workstation thì nhiều core đồng nghĩa với nhanh hơn, ít phải chờ đợi hơn.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?
Threadripper (trái) khi đứng cạnh “người lùn” Ryzen 4 nhân cho máy xách tay.

Quái vật Threadripper của AMD kinh khủng tới mức nào?

Theo ITNews

Góc quảng cáo