Các doanh nghiệp lớn đang triển khai nhiều chương trình chống tin giả vì công nghệ deepfake (lan truyền nội dung giả mạo) phát triển ngày càng phổ biến và tinh vi.
Amazon vừa tuyên bố tham gia chương trình Thử thách Phát hiện DeepFake (DeepFake Detection Challenge – DFDC). Đây là cuộc thi do Facebook triển khai, trong đó các nhà phát triển phải cố gắng tạo ra công cụ phát hiện tin giả chính xác nhất.
Trong hai năm tới, nền tảng AWS (Amazon Web Services) sẽ hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, đồng thời đóng góp 1 triệu USD dưới dạng tín dụng cho các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, AWS cũng chỉ đạo và giữ vai trò giám sát cuộc thi.
Facebook phát động chương trình DFDC hồi tháng 9. Microsoft và một số đối tác trong lĩnh vực AI (gồm Amazon, Google, DeepMind và IBM) tham gia dự án này cùng những chuyên gia đến từ các trường đại học lớn như MIT, Oxford, Cornell Tech, UC Berkeley… Các đối tác đã cùng nhau đóng góp 10 triệu USD và bộ dữ liệu 5.000 video để giúp mọi người tạo ra công cụ chống tin giả hiệu quả nhất. DFDC sẽ phát hành bộ dữ liệu đầy đủ vào tháng 12.
“Những cuộc thi như thế này là thước đo sự tiến bộ của công nghệ, giúp chúng ta làm rõ nhiều vấn đề cần giải quyết và xác định các bước phải thực hiện. Cuộc thi sẽ khám phá tài năng của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, giúp duy trì ranh giới giữa thực tế và viễn tưởng”, Nikolro Perona – Giáo sư kỹ thuật tại AWS nhận xét.
Trước tình trạng tin giả ngày càng phổ biến và khó kiểm soát, cuối cùng thì các hãng công nghệ cũng bắt đầu có kế hoạch triển khai giải pháp ngăn chặn. Tháng trước, Google phát hành loạt video deepfake giúp các nhà nghiên cứu phát triển phương pháp loại bỏ nội dung giả mạo. Twitter cũng đang nghiên cứu chính sách mới để xử lý những “tác phẩm của công nghệ deepfake”.
Theo Fast Company