Xem nhanh
Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một trong những phương tiện chính để kết nối với gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn không nên chia sẻ quá nhiều thứ trên Facebook, Instagram… để tránh những phiền phức không đáng có.
Nhiều người hay lo lắng về lượng dữ liệu mà những hãng công nghệ như Google, Facebook… thu thập về họ. Tuy nhiên trên thực tế những thông tin do chính bạn tiết lộ còn nhiều hơn bạn nghĩ. Dưới đây là 9 điều bạn không nên chia sẻ trên mạng xã hội vì sẽ tổn hại đến quyền riêng tư và sự an toàn của bản thân.
1. Kế hoạch du lịch
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ về kỳ nghỉ sắp tới hoặc đăng ảnh khi đang đi du lịch bởi vì bạn không bao giờ biết ai có thể xem những thông tin và sử dụng để đột nhập vào nhà của bạn.
Nếu một ai đó biết nơi bạn sống và có mục đích xấu, họ có thể đột nhập vào nhà và đánh cắp tài sản trong lúc bạn đi vắng. Để đảm bảo an toàn, đừng chia sẻ hình ảnh, check-in cho đến khi trở về từ kỳ nghỉ. Dù việc này đôi khi sẽ làm cản trở sự phấn khích nhất thời, nhưng lại giữ an toàn cho ngôi nhà của bạn trong thời gian đi vắng.
2. Dữ liệu vị trí
Điện thoại thông minh có khả năng thu dữ liệu GPS, trình duyệt web trên điện thoại cũng có thể nhận biết được nơi bạn ở dựa trên địa chỉ IP và tài khoản đăng nhập. Tính năng này được các ứng dụng mạng xã hội áp dụng để check-in vị trí.
Trước khi đăng ảnh lên mạng xã hội, bạn cần kiểm tra xem ứng dụng có tự động thêm dữ liệu vị trí vào hay không. Hầu hết bức ảnh đều chứa siêu dữ liệu, có thể cho thấy vị trí chính xác nơi bức ảnh được chụp. Thế nên những bức ảnh bạn đăng trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chia sẻ công khai địa chỉ hoặc số điện thoại, đề phòng bị người khác thu thập thông tin và thực hiện hành vi xấu.
3. Thông tin nhận dạng
Một số trang web, mạng xã hội luôn có những dữ liệu để đánh cắp thông tin người dùng. Bạn nên tránh chia sẻ những thông tin về danh tính, ví dụ ngày tháng năm sinh, ảnh giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ tín dụng… những giấy tờ quan trọng chứa thông tin cá nhân.
Lưu ý, nên xem xét cẩn thận những câu đố vui trên mạng xã hội. Một số mini game thường yêu cầu trả lời những câu hỏi như bạn học cấp 3 ở đâu, tên thú cưng đầu tiên của bạn là gì… Nhưng những câu hỏi này thường được sử dụng để xác thực, bảo vệ tài khoản trực tuyến. Vì vậy, khi những câu trả lời được công khai, kẻ xấu có nguy cơ xâm nhập vào tài khoản của bạn.
4. Khiếu nại và cá nhân
Mạng xã hội không phải nơi phù hợp để phô bày để phàn nàn về sếp, đồng nghiệp và người thân. Nếu một ai đó nhìn thấy, tình hình sẽ trở nên tồi tệ đi rất nhiều. Rất nhiều người thường mắc sai lầm khi sử dụng mạng xã hội để trình bày những bất bình cá nhân, đó thực sự không phải một lựa chọn thông minh. Nếu cần chia sẻ, bạn nên tìm một người thân để tâm sự, tránh mang sự tức giận lên mạng xã hội. Đôi khi việc đưa những lời phàn nàn không đúng lúc để lại khiến bạn vướng vào những kiện cáo pháp lý không đáng có.
5. Bằng chứng vi phạm pháp luật
I’m driving drunk too much henny last night
— ichigo (@PrettyVerde) April 12, 2020
Thỉnh thoảng trên mạng xã hội có đăng những tin tức giả mạo, bình luận phản cảm, trò đùa tai hại gây xôn xao, thậm chí có nguy cơ vi phạm pháp luật để “câu like”. Đôi khi bạn sẽ thấy một số video về lái xe khi say rượu, chụp ảnh selfie trên đường cao tốc, sử dụng súng bất hợp pháp, tiêm chích ma túy, hoặc những ý tưởng khủng khiếp hơn. Trên thực tế, những hình ảnh, video này có thể vô tình trở thành bằng chứng vi phạm pháp luật.
Bạn không nên đăng những nội dung trên lên mạng xã hội, để tránh tổn hại đến danh dự bản thân, hoặc có thể phải bị phạt, thậm chí ngồi tù vì những hành vi trái pháp luật.
6. Chia sẻ những món đắt tiền
Sau khi mua một món hàng đắt tiền, ví dụ điện thoại, máy tính, xe hơi, đồ trang sức… nhiều người thích chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Tuy nhiên những món đồ đắt tiền có thể khiến người khác nảy sinh ý nghĩ đánh cắp, vay mượn hoặc lợi dụng bạn. Mặt khác, khi chia sẻ quá nhiều hình ảnh về những vật phẩm giá trị, những người xung quanh sẽ có cảm giác ganh tị và khó chịu.
7. Tư vấn cá nhân
Có một số người hay đặt những câu hỏi về sức khỏe, nhờ tư vấn bệnh hoặc tình huống pháp lý trên mạng xã hội. Nếu gặp phải những trường hợp này, dù có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực đó bạn cũng không nên tư vấn hoặc đưa ra lời khuyên cho họ. Ngay cả khi bạn là bác sĩ hoặc luật sư.
Bởi vì bạn không thể biết tất cả triệu chứng bệnh, hoặc những dữ kiện pháp lý đằng sau trường hợp đó. Ngay cả những câu hỏi về tập thể dục, giảm cân, chế độ ăn uống, tài chính hoặc một số chủ đề nhạy cảm. Tốt nhất bạn nên khuyên họ liên hệ luật sư hoặc bác sĩ, tránh tư vấn hoặc đưa ra lời khuyên sai, ảnh hưởng xấu hoặc vô tình làm hại người khác.
8. Quà tặng và những cuộc thi lừa đảo
Hiện nay, nhiều công ty đã bắt đầu triển khai các cuộc thi trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người like, chia sẻ để trúng thưởng. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận với những trường hợp lừa đảo. Nếu bạn thường xuyên chia sẻ về các cuộc thi, chương trình nhận quà tặng miễn phí trên mạng xã hội, những người xung quanh sẽ cảm thấy bị làm phiền. Mặt khác, một trong những cuộc thi bạn chia sẻ có thể là tin giả, hoặc trò lừa đảo nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc phát tán mã độc. Để đảm bảo an toàn, bạn nên cảnh giác với những bài viết khuyến khích chia sẻ hoặc hỏi chi tiết về thông tin cá nhân.
9. Thông tin nội bộ
Tuyệt đối không nên đăng những thông tin nội bộ, chiến lược phát triển của công ty lên mạng xã hội hoặc bất cứ đâu. Những chi tiết đó có thể vô tình khiến công việc của bạn gặp rắc rối. Nhìn chung, quy tắc cơ bản luôn áp dụng trên mạng xã hội là không nên đăng những thông tin mà bạn không muốn mọi người nhìn thấy.
Khi một nội dung được đăng tải trên mạng Internet, rất khó để xóa bỏ hoàn toàn. Ngay cả khi bạn cài đặt bài viết ở chế độ bạn bè cũng không thể đảm bảo thông tin đó không được chia sẻ rộng rãi. Và trên hết, bạn đừng nên tin vào mạng xã hội, bởi vì chỉ cần một sai lầm nhỏ xảy ra vào thời điểm bạn không mong đợi nhất cũng có thể gây ra những hậu quả không ngờ.