Công ty bảo mật Trend Micro vừa tìm thấy hàng chục phần mềm quảng cáo trên Google Play “đội lốt” trò chơi hoặc chương trình chỉnh sửa ảnh để hiển thị quảng cáo toàn màn hình và thu lợi bằng chiêu trò lừa đảo.
Theo báo cáo, có 85 ứng dụng (app) khác nhau được tải xuống hơn 8 triệu lần từ Google Play Store và tất cả đều đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng. Thông thường, các phần mềm quảng cáo khác sẽ không chạy trên thiết bị mà âm thầm hiển thị và dựa vào cú nhấp của người dùng để thu lợi. Tuy nhiên những chương trình này lại hoạt động theo cách khác khiến người dùng khó chịu hơn.
Ecular Xu, chuyên gia ứng phó với mối đe dọa di động tại Trend Micro nói: “Ngoài việc hiển thị các quảng cáo khó tắt, kẻ xấu còn dùng những kỹ thuật đặc biệt để tránh bị người dùng phát hiện và kích hoạt quảng cáo trên từng khung thời gian khác nhau”.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phần mềm quảng cáo độc hại này sẽ tự lưu một bản ghi khi được cài đặt vào hệ thống và thường không hoạt động trong khoảng nửa giờ. Sau đó ứng dụng sẽ tự ẩn biểu tượng và tạo một lối tắt trên màn hình chính của người dùng. Cách này giúp ứng dụng khó bị xóa nếu người dùng kéo và thả phím tắt vào phần gỡ cài đặt trên màn hình.
“Quảng cáo được hiển thị trên toàn màn hình. Người dùng bị buộc phải xem hết thời lượng mới có thể tắt hoặc quay lại ứng dụng”, Xu nói thêm.
Sau khi được mở, ứng dụng sẽ hiển thị quảng cáo trên màn hình chính của thiết bị. Ngoài ra chương trình cũng kiểm tra để chắc chắn không hiển thị cùng một quảng cáo quá thường xuyên. Những ứng dụng dạng này còn có thể bị điều khiển từ xa bởi kẻ lừa đảo, khiến quảng cáo xuất hiện thường xuyên và lâu hơn khoảng thời gian 5 phút mặc định.
Trend Micro đã đưa ra danh sách các phần mềm quảng cáo lừa đảo này, trong đó có Super Selfie Camera, Cos Camera, Pop Camera và One Stroke Line Puzzle. Mỗi app đều có hơn một triệu lượt tải xuống. Hầu hết lượt đánh giá ứng dụng trong Google Play đều rất tệ, người dùng chỉ cho một sao và phàn nàn vì quá nhiều quảng cáo xuất hiện.
Theo TechCrunch