Dù đang sở hữu lượng dân số đông trong độ tuổi lao động, trong tương lai gần, việc tìm kiếm và thu hút nguồn nhân lực với kỹ năng cần thiết cho môi trường doanh nghiệp đổi mới chắc chắn vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

Khoảng 88% nhà tuyển dụng châu Á – Thái Bình Dương đều nhận thấy tình trạng thiếu hụt kỹ năng làm việc trong bối cảnh hiện nay; đặc biệt, đến 86% quan ngại về lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn khan hiếm trong ngành công nghệ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong khu vực cũng đang chật vật trong việc tìm kiếm nhân lực đủ khả năng về kỹ thuật số, công nghệ tài chính (fintech) và an ninh mạng (cybersecurity) – những lĩnh vực thiết yếu, đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong hiện tại cũng như tương lai.

Do đó, việc thu hẹp khoảng cách về mặt kỹ năng tại châu Á – Thái Bình Dương là tối quan trọng đối với tương lai nền kinh tế khu vực. Từ bán lẻ, sản xuất cho đến tài chính và nhiều ngành khác, mọi doanh nghiệp ngày nay đều được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt. Các doanh nghiệp sẽ không thể ‘sống sót’ và phát triển nếu thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp, bao gồm: các lập trình viên và kỹ sư – những người có khả năng chuyển hóa hàng loạt trải nghiệm số vượt bậc thành phần mềm linh hoạt và giàu tính tương tác; đội ngũ phát triển với khả năng khai thác và thử nghiệm tức thì những ý tưởng mới; cũng như những chuyên gia học máy (machine learning) thành thạo phương thức cấu trúc hóa dữ liệu để kiến tạo những giải pháp đột phá.

Hành trang thiết yếu cho công việc của tương lai

Doanh nghiệp chính là nhân tố giữ vai trò chủ chốt trong việc thu hẹp khoảng cách về mặt kỹ năng đang ngày càng lớn tại châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài việc đào tạo nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân nên tập trung đẩy mạnh hợp tác dưới nhiều hình thức mới với các tổ chức chính phủ và nhiều trường đại học, nhằm cân đối nhu cầu thiết yếu trong tương lai gần của doanh nghiệp với những kiến thức sinh viên đang được giảng dạy hiện nay. Đây là một viễn cảnh đôi bên cùng có lợi: sinh viên được học những kỹ năng thực tiễn, trong khi các doanh nghiệp có thể cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao của mình.

Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ có thể hỗ trợ các sinh viên theo đuổi ngành IT bằng cách xây dựng những chương trình khuyến học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục khoa học máy tính. Các công ty thuộc khu vực tư nhân đang ở vị thế đặc biệt, vừa có thể hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học lập trình máy tính, lại vừa có thể cung cấp nhiều cơ hội nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Sinh viên chắc hẳn sẽ hứng thú hơn trong việc học hỏi những kỹ năng thiết yếu của lập trình và thiết kế cơ sở dữ liệu, khi họ biết những kiến thức đó giúp mang lại những lợi thế cạnh tranh độc nhất cho bản thân trên thị trường việc làm đông đúc.

Hành trang thiết yếu cho công việc của tương lai
Francois Lancon (Phó Chủ tịch Cấp cao, Oracle châu Á – Thái Bình Dương)

Bên cạnh những kỹ năng thuần về công nghệ, sinh viên cũng cần được trau dồi các kỹ năng phụ trợ nếu muốn trở thành những nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu trong tương lai. Bởi xét tới cùng, những doanh nghiệp số thành công nhất không chỉ đòi hỏi đội ngũ thông thạo về công nghệ đơn thuần – mà họ cần phải nhanh nhẹn, nhạy bén, thấu hiểu khách hàng, và thành thạo vận dụng các dữ liệu chuyên sâu vào quá trình đưa ra những quyết định chiến lược cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cũng nên đầu tư thêm vào các chương trình đào tạo thế hệ nhân tài kế tiếp về phương thức phát triển kế hoạch kinh doanh và thiết kế trải nghiệm người dùng, từ đó khuyến khích sinh viên giữ thái độ cầu thị khi làm việc, và thường xuyên đặt câu hỏi “Vậy công nghệ có thể giúp gì để giúp cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn?” trong mọi tình huống.

Bản chất phát triển chóng mặt của công nghệ khiến công cuộc khơi gợi đam mê phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. AI và các công nghệ mới nổi khác xoay quanh học máy, công nghệ sổ cái phân phối (distributed ledger), thực tế ảo, v.v… đã từng bước chuyển hóa phong cách sống và làm việc của toàn nhân loại. Do đó, khu vực kinh tế tư nhân phải liên tục cải tiến nhiều kế hoạch, chương trình giảng dạy và hội thảo mới lạ, nhằm thu hút đa dạng sinh viên trên toàn cầu, đồng thời trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng thực hành chuyên sâu.

Khi doanh nghiệp, chính phủ và ngành giáo dục hợp tác, họ sẽ tự đưa mình vào vị thế chủ chốt trong việc truyền cảm hứng cho sinh viên theo đuổi ngành công nghệ, cũng như chủ động đào tạo những kỹ năng phù hợp cho lực lượng lao động tương lai. Những nỗ lực khai thác nhiều phương thức hợp tác sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về học máy, AI, v.v… chắc chắn sẽ củng cố nguồn nhân lực dày dặn kỹ năng, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tương lai.

Francois Lancon (Phó Chủ tịch Cấp cao, Oracle châu Á – Thái Bình Dương)

Góc quảng cáo