Mục lục bài viết
Trong đà phát triển của nền công nghệ thế giới luôn có những cái chưa bắt kịp tiến độ hoặc tệ hại hơn là “cải lùi”, trang AndroidPit vừa liệt kê ra 7 thất bại thảm hại nhất của các smartphone chạy hệ điều hành Android trong năm 2015.
1. Chip Qualcomm Snapdragon 810
Năm 2014, Qualcomm đã thống trị thị trường chip di động trên toàn thế giới. Bước sang năm 2015, hãng sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ hi vọng rằng, dòng vi xử lí cao cấp và mạnh mẽ nhất là Snapdragon 810 sẽ giúp họ củng cố địa vị của mình.
Tuy nhiên, Snapdragon 810 đã thất bại thảm hại bởi vấn đề quá nhiệt mà các chuyên gia công nghệ cũng như người dùng không ngừng kêu ca. Tương tự như Qualcomm, các mẫu smartphone sử dụng dòng chip này như HTC One M9, HTC Butterfly 3, LG G Flex 2, Sony Xperia Z3 Plus… cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm nghiêm trọng.
2. Samsung bỏ khe cắm thẻ microSD và pin tháo rời
Hai dòng smartphone cao cấp của Samsung trong năm 2015 gồm Galaxy S6 serie S và Galaxy Note 5 được đánh giá cao về mặt thiết kế với khung viền kim loại, 2 bề mặt phủ kính cường lực. Sự thay đổi này mang lại cho sản phẩm sự tinh tế và sang trọng.
Mặc dù vậy, hãng điện tử Hàn Quốc vẫn bị các tín đồ công nghệ cũng như người tiêu dùng chê bai khi từ bỏ khe cắm thẻ nhớ microSD trên 2 dòng sản phẩm này. Bên cạnh đó, viên pin của Galaxy S6 series và Galaxy Note 5 cũng không thể tháo rời như các thế hệ “đàn anh” của mình.
3. Sự “bảo thủ” của HTC trên dòng One M9
Năm 2013 và 2014, 2 dòng smartphone One M7, One M8 của HTC đã được đánh giá rất cao ở thiết kế nhôm nguyên khối với các góc, cạnh được bo cong khá bắt mắt và sang trọng. Dẫu vậy, hãng điện thoại Đài Loan (Trung Quốc) vẫn tiếp tục bê nguyên xi phong cách thiết kế này lên dòng One M9 được ra mắt hồi đầu năm 2015.
Do không có sự đột biến trong thiết kế cộng với việc dùng vi xử lí Qualcomm Snapdragon 810 thường xuyên gặp vấn đề về nhiệt độ khi sử dụng, One M9 đã không thể cạnh tranh với các flagship của Apple, Samsung hay LG. Việc dòng máy đỉnh nhất không gây được tiếng vang đã khiến tình hình kinh doanh của HTC rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
4. Sony Xperia Z3 Plus
So với “đàn anh” Xperia Z3 được ra mắt cuối năm 2014, Xperia Z3 Plus chẳng có sự thay đổi nào về thiết kế. Mặt khác, việc sử dụng chip Snapdragon 810 của Qualcomm cũng khiến model này bị người tiêu dùng thờ ơ. Nhằm cứu vãn tình thế, Sony buộc phải cho ra mắt dòng Z5 series hồi tháng 9 vừa qua.
5. OnePlus 2 không có tính năng NFC
Khi mới ra mắt hồi cuối tháng 7, OnePlus 2 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới công nghệ cũng như người tiêu dùng. Thế nhưng, dòng sản phẩm này lại có 1 khiếm khuyết, đó là từ bỏ tính năng NFC (Near-Field Communications) – công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn.
Với việc bỏ qua một trong những tính năng kết nối “thời thượng” nhất hiện nay, sức hút của “kẻ hủy diệt iPhone” thế hệ thứ 2 tại thị trường Mỹ và châu Âu giảm sút rõ rệt.
6. Trào lưu “sao chép” Apple
Những năm gần đây, Apple thường bị “tố” chạy theo những tính năng mới trên các smartphone chạy hệ điều hành Android. Nhưng trong năm 2015, điều đó lại hoàn toàn ngược lại. Đã có rất nhiều điện thoại thông minh Android bị “kết tội” sao chép sản phẩm iPhone của “Táo khuyết”.
Cụ thể, Samsung Galaxy S6, HTC One A9 sao chép phong cách thiết kế của iPhone 6, 6 Plus. Trong khi đó, Huawei Mate S lại “nhái” công nghệ cảm ứng lực (Force Touch) trên iPhone 6s và 6s Plus. Không ít ý kiến cho rằng đây chính là sự “cải lùi” của các smartphone Android.
7. Nexus 5X
Nexus 5X là sản phẩm hợp tác giữa Google với LG. Tuy có lớp vỏ bằng nhựa nhưng phablet này vẫn được đánh giá cao bởi thiết kế bắt mắt, camera chất lượng tốt, tính năng cảm biến vân tay, chạy hệ điều hành Android 6.0 Marshmallow, chuẩn kết nối USB Type-C.
Mặc dù vậy, Nexus 5X lại khiến không ít người thất vọng khi dung lượng RAM của nó chỉ dừng lại ở mức 2 GB. Ngoài ra, bộ nhớ trong của nó chỉ có 2 lựa chọn gồm 16 và 32 GB (không có khe cắm thẻ microSD).
Theo TTCN