Xem nhanh
Xe ôm, chụp ảnh dạo, nhân viên soát vé… là những nghề nghiệp hiện nay có thể sẽ sớm biến mất trong tương lai gần bởi công nghệ phát triển và các mô hình kinh doanh đang thay đổi tại Việt Nam.
1. Xe ôm truyền thống
Xuất hiện từ rất sớm khi xe máy bắt đầu được du nhập vào Việt Nam, xe ôm ở Hà Nội hay Thành phố HCM thường là những chiếc Honda, Suzuki hay Yamaha cũ. Tại một số tỉnh vùng biên như Lạng Sơn, Cao Bằng… vẫn còn những chiếc xe thuộc khối XHCN trước đây được sử dụng làm xe ôm như Minsk hay MZ150.
Với lợi thế cơ động trong vùng đô thị đông người, giá thành rẻ hơn xe Taxi, một thời những người chạy xe ôm có thể nuôi sống được gia đình với giá cước chỉ 2000 đồng/km. Tuy nhiên hiện nay, những người lái xe ôm đang phải vất vả để chuyển đổi mô hình làm kinh tế của mình.
Năm 2013, mô hình “smart xe ôm” ra đời đó là Aloxeom.vn, cho phép khách hàng gọi tới tổng đài, thông báo lịch trình và tổng đài sẽ tính toán giá tiền vận chuyển, đồng thời điều xe đến đón. Tuy nhiên, cho đến nay mô hình này đã không còn hoạt động, trang web Aloxeom.vn cũng hết hạn đăng kí tên miền và bị thả trôi.
Năm 2014, Uber vào Việt Nam, đây là dịch vụ gọi Taxi trở nên dễ dàng, tiện dụng hơn với giá thành rẻ, đe doạ cả Taxi lẫn xe ôm truyền thống. Sự có mặt của Uber còn thúc đẩy những loại hình kinh doanh khác phải đổi mới để cạnh tranh. Tiếp theo Uber là GrabTaxi, hãng này ngoài việc kinh doanh dịch vụ gọi taxi trung gian còn cung cấp dịch vụ Grabbike cho phép gọi xe ôm thay vì chỉ mỗi taxi. Theo như cam kết của Grabbike, tài xế có thu nhập ổn định ít nhất 4,5 triệu đồng/tháng, con số này không phải là hấp dẫn tại những thành phố lớn.
“Nói thẳng ra, trước đây chở khách mình còn nói chuyện với khách được, cũng có mánh của mình nên còn sống tốt, chứ giờ ai cũng có xe, khách hàng ít, mà tham gia mô hình nọ kia thấy họ chặt quá mình khó sống, tôi cũng tính chuyển nghề”, chú Trung, một xe ôm hoạt động tại khu vực bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết.
Trên thực tế, nghề chở khách bằng xe máy cũng đã không còn tồn tại ở những quốc gia phát triển.
2. Thợ chụp ảnh dạo
Đã có lúc, Hà Nội nổi tiếng với làng nghề chuyên chụp ảnh, đó là làng Lai Xá và chụp ảnh khi đó cũng là nghề có thể nuôi gia đình, nhưng giờ đây máy ảnh và thiết bị có thể chụp ảnh lúc nào cũng có sẵn trong mỗi gia đình bình thường.
Bác Mạnh Hùng, một thợ chụp ảnh dạo tại Hồ Gươm cho biết, chụp ở đây thì toàn là thành viên của Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Hoàn Kiếm, cũng có lúc thịnh, số lượng thành viên cũng gần 200 người, nhưng họ rời đi ngày càng nhiều.
Hiện tại, mỗi tấm ảnh chụp ở đây có giá khoảng 25.000 đồng/tấm, chỉ cần chụp sau 20 phút là đã có hình.
Bác Hùng nói giờ cũng rất ít khách chụp do người ta đều có máy ảnh, hoặc khách tự chụp bằng điện thoại. Thích nhất là gặp khách Tây, người ta tò mò nhờ chụp và cho ít tiền, chán nhất là gặp khách Trung Quốc, họ nói nhiều và rất hay mặc cả, gặp khách Trung Quốc thì chỉ chụp được ảnh với giá 15 – 18.000 đồng/tấm.
Nhiều thợ ảnh dạo tại hồ Gươm khi được hỏi đều nói rằng họ làm vì việc chụp ảnh đã thành nghề, một phần là vì chưa có công việc khác thay thế. Tuy nhiên, tất cả đều hình dung đến ngày sẽ chẳng còn ai sử dụng dịch vụ từng ăn khách này nữa.
Hai người thợ ảnh dạo tại Mũi né – Phan Thiết đang đứng chơi vì không có khách – ảnh: Thành Lương
Trên toàn quốc, những người chụp ảnh dạo vẫn cố bám trụ tại các cơ sở du lịch, nhưng có lẽ cũng không lâu nữa họ sẽ phải chuyển nghề, do máy ảnh cá nhân hiện ngày càng rẻ và điện thoại thông minh đã bắt đầu cho ra những tấm ảnh có chất lượng chẳng kém gì máy ảnh du lịch.
3. Dịch vụ chỉnh sửa ảnh kĩ thuật số
Năm 1999, trào lưu chụp ảnh kĩ thuật số và sửa bằng phần mềm Photoshop du nhập vào Việt Nam, nhiều công ty đã phất lên mạnh mẽ từ dịch vụ ghép, chỉnh sửa ảnh kĩ thuật số như công ty PT, công ty VP… Tuy nhiên hiện tại, mô hình kinh doanh cũng đã thay đổi.
PT bắt đầu định hướng lại ngành nghề kinh doanh chính của mình là mái hiên di động, dịch vụ bảng LED điện tử… dù vẫn giữ lại mảng ảnh kĩ thuật số nhưng có phần bé nhỏ hơn và rất hiếm hoi khách hàng. Những Studio đã từng nổi đình nổi đám trong ngành ảnh kĩ thuật số theo phong cách “những năm đầu 2000” thì giờ tập trung sang mảng chụp và làm các album cưới.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ngành ghép ảnh kĩ thuật số này bắt đầu từ việc máy ảnh số càng ngày càng rẻ và đẹp, đời sống con người khá lên và cảm nhận mỹ thuật cũng khác đi, những tấm ảnh ghép với trăng sao, vỏ sò, tổ chim… nhìn vô cùng giả tạo, không ai muốn dùng.
Ngoài ra, những ứng dụng như Camera 360, B612 tỏ ra đáp ứng được thị hiếu của những người thích da mịn, môi hồng và nhanh gọn hơn rất nhiều so với việc phải ra tiệm ảnh kĩ thuật số.
4. Kinh doanh điện thoại tại cửa hàng nhỏ
Từ những năm 2000, các cửa hàng kinh doanh điện thoại mọc lên như nấm tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Các thương hiệu điện thoại được buôn bán lúc này khá đa dạng như Nokia, Samsung, BlackBerry hay Siemens SL 45.
Tuy nhiên, những chuỗi hệ thống điện máy lớn có kinh doanh điện thoại như FPT, Thế giới di động, Viễn thông A… đang ngày càng trở nên lấn lướt các cửa hàng nhỏ lẻ do có nguồn vốn lớn và dễ đàm phán các hợp đồng trợ giá.
Điện thoại thông minh trở nên phổ thông dẫn đến cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Đặc biệt chính sách thuế được thắt chặt và cùng với thông tư Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT được ban hành, hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP, theo đó, kể từ 15/12, các loại điện thoại di động cũ bị cấm nhập khẩu đang gây khó khăn với các cửa hàng nhỏ.
Một chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại cho biết, hiện nay “vẫn còn cửa” nhập máy cũ về bán, chủ yếu là máy từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên nếu như các cơ quan quản lý thắt chặt về kiểm tra thuế và hàng hoá, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ sẽ khó còn đất sống mà chỉ còn cách sửa chữa dịch vụ, kinh doanh phụ kiện giá rẻ để tồn tại.
5. Nhân viên kiểm soát vé các trạm thu phí
Từ năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu thực hiện thí điểm công nghệ thu phí không dừng (ETC) theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C.
Các trạm soát vé không dây sẽ làm thay đổi vai trò của nhân viên soát vé trước đây – ảnh minh hoạ: Facebook
Để sử dụng dịch vụ này, mỗi chủ xe sẽ phải đăng ký một tài khoản và sử dụng một thẻ E-tag, mỗi khi chạy xe đến gần, trạm thu phí sẽ nhận diện tín hiệu từ thẻ E-tag, phân tích tài khoản và tự động mở thanh chắn trạm thu phí.
Công nghệ này trên thực tế đã được ứng dụng đại trà tại các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước tiên tiến.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công nghệ mới được áp dụng sẽ tiến kiệm được hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước.
Dự kiến, khi tất cả các trạm thu phí đều áp dụng ETC, vai trò của các nhân viên soát vé sẽ được thay đổi.
Theo ICTnews