Mục lục bài viết
Hơn 50.000 xác minh dữ kiện mới đã xuất hiện trên Google Tìm Kiếm trong năm qua, với tất cả xác minh dữ kiện nhận được hơn 2,4 tỷ lượt tiếp cận trên Google Tìm Kiếm trong cùng khoảng thời gian đó. Đại dịch COVID-19. Các cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thế giới. Những người phụ trách công việc xác minh dữ kiện trên toàn thế giới đã có một năm bận rộn.
Một nhánh nghiên cứu mở rộng cho thấy việc xác minh dữ kiện có thể giúp chống lại tin giả. Trong một báo cáo mới đây do Google News hỗ trợ, nhà nghiên cứu Ethan Porter, Thomas Wood, và Yamil Velez đã phát hiện ra rằng các đính chính dưới hình thức xác minh dữ kiện có thể làm giảm hậu quả của thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19.
Song, việc xác minh dữ kiện không phải chỉ dành riêng cho những chuyên gia. Mỗi ngày, mọi người đều tìm kiếm chứng cứ để xác nhận hoặc bác bỏ phần thông tin mà họ không chắc chắn. Trong 12 tháng qua, các tìm kiếm trên Google với nội dung “<việc gì đó> có thật không” cao hơn so với những tìm kiếm về “cách làm bánh mì”, chủ đề xu hướng tìm kiếm bùng nổ vào năm ngoái. Xu hướng tìm kiếm cho từ khóa “<việc gì đó> có thật không” đạt mức cao nhất trên toàn thế giới vào tháng 10 năm ngoái.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ tất cả người dùng khi họ tìm kiếm thông tin đáng tin cậy trên mạng, và chúng tôi sẽ trao đổi với các tổ chức khác để cải thiện chức năng xác minh dữ kiện.
Với mục đích đó, và nhân Ngày Quốc tế Xác minh dữ kiện (Ngày 2 tháng 4) sắp đến, Google gợi ý 5 cách đơn giản giúp bạn đặt những câu hỏi đúng để có thể phát hiện thông tin sai lệch trên mạng dễ dàng hơn.
Tìm hiểu thêm về nguồn tin.
Bạn đã bao giờ tình cờ đọc được một câu chuyện đáng ngạc nhiên từ một trang web mà bạn chưa bao giờ nghe đến chưa? Đầu tiên, hãy xem liệu nguồn tin đó đã được xác thực chưa. Sau khi tìm kiếm về nguồn tin, bạn có thể nhấn vào biểu tượng menu để tìm hiểu thêm về kết quả. (hiện tại chỉ hỗ trợ tiếng Anh và khả dụng tại Mỹ)
Nếu bạn nhấp vào kết quả, bạn có thể xem một trang web được miêu tả thế nào thông qua phần “Giới thiệu”, song có thể bạn cũng muốn tham khảo thêm một ý kiến khác nữa. Bạn cũng có thể thử tìm kiếm ý kiến từ những bên khác bằng cách yêu cầu Google loại bỏ những kết quả đến từ tên miền đó. Cú pháp để tìm kiếm theo yêu cầu này như sau:
about youtube -site: youtube.com
Bạn muốn tinh chỉnh tìm kiếm của mình hơn nữa? Tìm thêm các mẹo trên trang hỗ trợ của chúng tôi (https://support.google.com/websearch/answer/2466433?hl=en).
Kiểm tra xem hình ảnh có được sử dụng trong ngữ cảnh phù hợp hay không.
Ngạn ngữ cổ có câu, ‘Một hình ảnh có giá trị hơn nghìn từ ngữ’. Nhưng một bức ảnh cũng có thể được lấy ra khỏi bối cảnh hoặc chỉnh sửa để gây hiểu lầm. Bạn có thể tìm kiếm bằng hình ảnh bằng cách nhấp chuột phải vào ảnh và chọn ‘Tìm kiếm hình ảnh trên Google’. Bạn có thể làm tương tự trên thiết bị di động bằng cách chạm và giữ hình ảnh. Thao tác này giúp bạn tra cứu bức ảnh để kiểm tra xem nó đã xuất hiện trên mạng trước đây chưa và trong bối cảnh nào, để bạn biết được liệu nó có bị thay đổi ý nghĩa ban đầu hay không.
Xem cách một hình ảnh đang được sử dụng trong ngữ cảnh trực tuyến. Bạn có thể tìm kiếm bằng hình ảnh bằng cách nhấp chuột phải vào ảnh và chọn ‘Tìm kiếm hình ảnh trên Google’. Đây là ví dụ mô phỏng để minh họa cách thức hoạt động của sản phẩm này chứ không phải trải nghiệm thực tế.
Tìm tin tức trên báo chí
Cái gì tốt hơn một nguồn thông tin? Đó là nhiều nguồn thông tin! Xem cách các hãng tin tức khác nhau đã đưa tin về cùng một sự kiện như thế nào để bạn có thể có được bức tranh toàn cảnh về sự kiện đó. Chuyển sang chế độ tin tức hoặc tìm kiếm chủ đề trên news.google.com. Đừng quên xem qua phần “Toàn bộ tin tức” nếu tính năng này khả dụng.
Tham khảo thông tin từ những chuyên viên xác minh dữ kiện
Các chuyên viên xác minh dữ kiện có thể đã đề cập câu chuyện ngẫu nhiên mà chú của bạn gửi cho bạn trong cuộc trò chuyện nhóm hoặc một câu chuyện tương tự sẽ chỉ cho bạn đúng hướng để tìm hiểu điều gì đã thực sự xảy ra. Hãy thử tìm kiếm chủ đề trong Fact Check Explorer (https://toolbox.google.com/factcheck/explorer), công cụ này thu thập hơn 100.000 thông tin xác thực từ các nhà xuất bản có thẩm quyền trên khắp thế giới.
Sử dụng Google Earth hoặc Street View để xác thực vị trí
Những câu chuyện không đúng sự thật về các sự kiện xảy ra ở những địa danh xa xôi có thể lan truyền do chúng ta không rõ về vị trí của chúng. Nếu bạn muốn biết một bức ảnh có thực sự đến từ nơi đó hay không, hãy thử kiểm tra Google Earth hoặc xem Chế độ Xem phố của một vị trí trên Google Maps.
Giả sử bạn bè của bạn gửi cho bạn một câu chuyện về Bigfoot đi dạo bên Tháp Eiffel ở Paris, Pháp. Kết quả hình ảnh Tháp Eiffel trên Chế độ Xem Phố sẽ ít nhất xác thực được rằng trên đỉnh tháp không hề có chiếc mũ cao bồi lớn màu đỏ (giống như ở Paris, Texas). Nếu phần thông tin đó không đúng sự thật, phần còn lại của câu chuyện cũng có khả năng là giả.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ mọi người phát hiện thông tin sai lệch trực tuyến, và hỗ trợ hệ sinh thái xác minh dữ kiện. Mới đây, chúng tôi đã hỗ trợ 3 triệu đô la cho các nỗ lực của các đơn vị báo chí trong việc xác minh thông tin sai lệch về quy trình tiêm chủng COVID-19, tập trung vào các dự án hướng đến các đối tượng không có điều kiện tiếp cận các thông tin xác minh dữ kiện hoặc là đối tượng mục tiêu của tin giả. Chúng tôi cũng đã phát động Thử thách Xác minh Thông tin của Đại học GNI trên khắp châu Á để nâng cao nhận thức và kiến thức của sinh viên báo chí. Ngoài ra, Google.org hợp tác với Full Fact, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các công cụ và tài nguyên cho những chuyên viên xác minh dữ kiện – tài trợ 2 triệu USD cũng như hỗ trợ bảy nghiên cứu sinh tình nguyện toàn thời gian của Google.org trong sáu tháng – nhằm giúp tăng số lượng thông tin mà họ có thể phát hiện lên gấp 1000 lần và hiển thị hơn 237 triệu xác minh dữ kiện trên các công cụ tìm kiếm.
Để biết thêm các phương pháp và thực hành tốt nhất, bạn có thể tham khảo các tài nguyên do Mạng lưới Xác thực Thông tin Quốc tế tổng hợp tại factcheckingday.com.
Mời bạn gửi ý kiến ở phần bình luận nhé.