Xem nhanh
Android có thật sự an toàn như bạn vốn nghĩ? Hãy cùng có cái nhìn sâu sắc hơn về hệ điều hành này
Gần đây, một nghiên cứu kéo dài hai năm về các nâng cấp trong bảo mật của Android đã được tung ra. Nghiên cứu này cho thấy có khoảng cách rất lớn giữa các các bản vá lỗi phần mềm mà các công ty sản xuất điện thoại nói rằng họ đã tung ra, và phiên bản mà bạn thực sự có trên thiết bị của mình.
Theo nghiên cứu, một số hãng đã không trung thực trong việc cập nhật này. Thực tế thì có vẻ như đa số các hãng đều làm như vậy.
Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh vụ scandal của Facebook đang nổi lên. Vì vậy vấn đề này có vẻ ít người quan tâm đến nội dung của nghiên cứu. Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy nó có chung vấn đề với Facebook, đó là vấn đề về lòng tin. Facebook là một công ty công nghệ lớn, nhưng lại ít được tin tưởng nhất tại Mỹ. Trong khi đó, Android là hệ điều hành được sử dụng bởi hơn 2 tỷ người trên khắp thế giới, vậy nên nó rất nhạy cảm với các lỗi đặc biệt liên quan đến bảo mật và riêng tư.
Khoảng cách giữa Android và đối thủ iOS tựu chung lại chỉ còn là vấn đề của chữ tín. Không giống Google, Apple không kiếm tiền từ việc theo dõi người dùng. Cũng không giống như Android, iPhone cũng chỉ có một vài model thay vì hàng trăm mẫu khác nhau.
Các mẫu iPhone này cũng được cập nhật một cách đều đặn suốt một thời gian dài. Sở hữu một chiếc iPhone khiến người dùng có thể tự tin rằng mình chính là một trong những người được Apple ưu tiên. Trong khi đó, với một thiết bị Android, bạn không thể dám chắc chắn rằng các bản cấp nhật và thông báo bảo mật mình nhận được có đáng tin hay không nữa.
Có rất nhiều lý do khiến Android bị đánh giá là chưa đáng tin. Bên cạnh trình bày sai các thông tin về bảo mật, dưới đây sẽ trình bày một vài lý do chính khác:
Bản cập nhật phiên bản mới chậm
Nhìn lại quá trình phát triển của Android từ những ngày đầu với phiên bản Cupcake, sau gần một thập kỷ, ta có thể thấy người dùng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với tốc độ cập nhật hệ điều hành của Android. Gần đây, mọi thứ còn có vẻ tệ hại hơn khi vào tháng 11 năm ngoái, một loạt các thiết bị được ra mắt với phiên bản Android Nougat của năm 2016. Android Oreo giờ đã gần 8 tháng tuổi, vậy mà LG vẫn đang chuẩn bị để nâng cấp cho flagship của năm 2017 – LG G6 .
Lời hứa cập nhật liên tục cho Android đôi khi cũng nhanh chóng tan như tin nhắn Snapchat vậy. Trước khi trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, Samsung vốn đã nổi tiếng về chuyện hay thất hứa cập nhật phần mềm.
Riêng chiếc Xperia Z3 là ví dụ điển hình. Sony đã không cập nhật cho máy này lý do không tương thích giữa chip Snapdragon và Android Nougat. Thế là Xperia Z3 vĩnh viễn không có bản cập nhật lớn tiếp theo. Rõ ràng là các công ty này – nhà mạng, nhà sản xuất chip, nhà sản xuất điện thoại và cả Google – thi thoảng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Khi đó, mọi thứ trở nên rất lộn xộn và khó đoán. Tương lai của các bản cập nhật cho Android khi đó cũng trở nên rất mịt mù.
Google rõ ràng đã ý thức được thực trạng này. Họ đã đưa ra Android One như một lời bảo đảm cho người dùng khi mua điện thoại Android. Android One được bảo đảm sẽ được cập nhật trong vòng ít nhất hai năm và nâng cấp bảo mật trong ít nhất ba năm. Nhưng, cũng là vấn đề chung, Android One chỉ được vài nhà sản xuất đưa vào thiết bị của họ. Đa số các thiết bị này đều thuộc loại rẻ tiền. Bạn sẽ không thấy những cái tên lớn như Samsung, Huawei và LG tham gia hỗ trợ Android One.
Một số nhà sản xuất còn ăn cắp thông tin của bạn
Các nhà sản xuất Android theo thói quen, thường gửi kèm các thiết bị của họ rất nhiều bloatware. Đây là những phần mềm thường bạn chả bao giờ dùng hoặc cần đến. Một số hãng thậm chí còn gắn kèm cả phần mềm gián điệp vào điện thoại của mình. Điện thoại của Blu đã bị gỡ khỏi Amazon chính vì lý do này.
Hãng này đã bán điện thoại với khả năng bị điều khiển từ xa và lấy trộm tin nhắn, ghi âm cuộc gọi của khách hàng. OnePlus cũng gặp vấn đề tương tự khi lợi dụng việc phân tích hành vi người dùng để ghi lại quá nhiều thông tin cá nhân của khách hàng mà không có sự đồng ý của họ.
Huawei có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất cho vấn đề này. Các cơ quan gián điệp của Mỹ liên tục khuyên người dân nên tránh hãng điện thoại này để tự bảo vệ bản thân. Hiện vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng nào được đưa ra để chứng minh Huawei làm gì đó sai trái. Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất lo lắng về các hãng điện thoại bị nghi ngờ có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Mối lo ngại này vẫn chỉ đa phần đến từ “khói” chứ chưa ai thực sự thấy được “lửa”.
Android rất dễ bị tấn công
Có một điểm rất đáng chú ý trong vụ scandal của Facebook vừa rồi. Khi người dùng bắt đầu xem mạng xã hội này đã thu lượm được những gì của mình, họ phát hiện ra Facebook đã có được cả những tin nhắn, cuộc gọi của họ. Nhưng chỉ những ai dùng Android mới bị.
Tại sao không phải là iPhone? Bởi triết lý thiết kế “cổng kín tường cao” của mình khiến việc này gần như không thể xảy ra. Cho dù người dùng có vô tình cho phép các ứng dụng khác quyền truy xuất cao nhất, việc này cũng không thể thực hiện được. Dữ liệu của bạn đơn giản là sẽ được bảo vệ kỹ hơn trên iOS, dù rằng Android đã có nhiều bước cải tiến đáng kể trong bảo mật. Nhưng cho dù đã có cố gắng, Android vẫn khiến người dùng nhầm lẫn về việc các ứng dụng đó đang lấy dữ liệu gì của mình và sử dụng chúng như thế nào.
Phần cứng của Android thiếu ổn định, đồng nhất
Đối với nhiều người, tốc độ thay đổi của Android chính là phần hấp dẫn nhất. Thật thú vị khi xem các công ty đưa ra đủ các kiểu thiết kế, và chỉ những cái tốt nhất có thể trụ được sau vài tháng. Thế nhưng, mặt trái của cuộc đua này chính là việc những tiểu tiết và tính ổn định lâu dài bị bỏ qua.
LG vài năm trước đã rầm rộ quảng cáo về chiếc flagship G5 và hệ sinh thái xung quanh sản phẩm này. Hãng quả quyết rằng thiết bị này sẽ đưa các máy Android của LG lên một tầm cao mới. Thế nhưng chỉ trong 6 tháng, dự án về các thiết bị sinh thái xung quanh G5 đã bị hủy bỏ. Điều này khiến những ai đã lỡ mua một vài phụ kiện cho G5 đã phải cười ra nước mắt. Nhân tiện khi nói về nước mắt, Sony gần đây cũng đã hơi mạnh miệng khi quảng cáo chiếc Xperia của mình là chống nước (water proof) trong khi thực sự nó chỉ là chống ướt mà thôi (water resistant)
Samsung Galaxy Note7 có thể được coi là một minh chứng hùng hồn nhất cho việc thiết kế vội vàng và đặt tham vọng quá mức vào phần cứng. Thiết bị này đã gặp một lỗi nghiêm trọng ở pin, khiến máy bị phát nổ. Trong khi đó iPhone vẫn được phát triển một cách chắc chắn, chậm rãi, có kế hoạch và rất kín đáo.
Bên cạnh việc hứa hẹn về các bản cập nhật chẳng bao giờ có, nói rằng sẽ cập nhật những bản vá bảo mật chẳng bao giờ xuất hiện, tự do sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng, các nhà sản xuất Android còn có xu hướng tự tâng bốc thái quá thiết bị của mình. Các công ty này cũng chẳng bao giờ hợp tác chung với nhau. Thế nên dù đã cố gắng rất nhiều để phát triển trải nghiệm, họ cũng chỉ là nhiều mảnh vỡ riêng lẻ của một hệ sinh thái vụn nát.
Vấn đề về lòng tin đối với Android, cũng giống như với Facebook, đã hiện hữu rất rõ. Dù rằng không phải nhà sản xuất Android nào cũng có những hành vi mờ ám. Không phải hãng nào cũng quảng cáo quá mức về sản phẩm của mình. Thế nhưng cũng như nhãn hiệu Android vậy, đây là vấn đề chung của một tập thể cùng phát triển một phần mềm.
Theo TheVerge