Nhiều người cho rằng bài báo đăng trên The New Yorker đưa một số thông tin sai và chưa đầy đủ liên quan tới bệnh nhân thứ 17 mắc Covid-19 của Việt Nam.

Ngày 21/9, tạp chí The New Yorker của Mỹ đăng tải bài viết có tiêu đề “The public-shaming pandemic” (tạm dịch: Đại dịch làm nhục công cộng), đề cập câu chuyện của những người vô tình lây lan virus corona phải đối mặt sự tấn công dữ dội, bôi xấu trên Internet.

Fact-check: 4 chi tiết chưa đúng về bệnh nhân thứ 17 trên tạp chí Mỹ
Bài đăng dẫn link báo có đề cập tới chị em Nga Nguyễn thu hút lượt tương tác lớn. Ảnh chụp màn hình.

Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của fashionista Nga Nguyễn và em gái tên Nhung.

Cả hai đều từng mắc Covid-19, trong đó, Nhung được xác định là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam, dưới cái tên N.H.N.

Bài viết này đang là tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng Việt.

Trên trang Facebook của The New Yorker, bài đăng dẫn link báo nhận được lượt tương tác vượt trội.

Cụ thể, trong khi các post khác thường chỉ thu hút vài chục biểu tượng cảm xúc và bình luận, với bài viết trên, con số lần lượt là 30.000 reaction, 10.000 comment chỉ sau 1 ngày.

Ở phần bình luận, phần lớn dân mạng Việt đều thể hiện sự bức xúc, cho rằng thông tin liên quan tới bệnh nhân số 17 được tạp chí Mỹ đưa ra là sai và chưa đầy đủ.

#1. “Chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng các thông tin rò rỉ trên báo chí để thuyết phục hoặc làm người dân sợ hãi”

Không chính xác. Đêm 6/3, khi nghe tin về ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, sợ hãi. Ngay 22h hôm đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong đêm để thông tin về sự việc.

Tại đó, N.H.N. (26 tuổi, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) được công bố là bệnh nhân thứ 17 dương tính với SARS-CoV-2. Chính quyền cũng thông báo đã tiến hành các biện pháp cần thiết để ứng phó với tình hình.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội ở thời điểm đó – kêu gọi mọi người bình tĩnh và không hoảng sợ. Ông bày tỏ mong muốn tất cả thông tin về dịch được công khai, minh bạch để người dân thủ đô nắm được kịp thời.

Fact-check: 4 chi tiết chưa đúng về bệnh nhân thứ 17 trên tạp chí Mỹ
Xe cứu thương xuất hiện ở gần nơi sinh sống của bệnh nhân số 17 vào đêm 6/3. Ảnh: Phạm Thắng.

#2. “Trong vòng một giờ sau khi các bài báo về cuộc họp được đăng tải, người dùng Internet đã tìm ra danh tính và các tài khoản mạng xã hội của cô”

Không chính xác. Trước khi cuộc họp khẩn diễn ra lúc 22h đêm 6/3, cư dân mạng đã chia sẻ mọi thông tin cá nhân cũng như tài khoản mạng xã hội của bệnh nhân số 17, dù chúng chưa hề được kiểm chứng.

Thậm chí, nhiều người trùng tên với N.H.N. bất ngờ bị dân mạng tấn công, chửi bới lây vì nhầm là bệnh nhân số 17.

Ngoài các thông tin sai lệch về bệnh nhân số 17, dân mạng cũng cho rằng bài viết của The New Yorker dẫn chứng thiếu nhiều chi tiết quan trọng.

#3. “Một người đã chụp ảnh một phụ nữ trông giống cô tại buổi khai trương cửa hàng Uniqlo và đăng lên Instagram, thông báo với mọi người rằng cô đang tiệc tùng trong khi bị ốm”

Thiếu thông tin quan trọng. Bài báo không đề cập tới việc ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội ở thời điểm đó – trả lời báo chí sau cuộc họp khẩn đêm 6/3, xác nhận bệnh nhân N.H.N. không tham dự khai trương cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội như tin đồn.

Fact-check: 4 chi tiết chưa đúng về bệnh nhân thứ 17 trên tạp chí Mỹ
N.H.N đang điều trị bệnh.

Ông cho biết cửa hàng Uniqlo ở Hà Nội khai trương vào 18h ngày 6/3, nên không thể có chuyện người này tham dự.

Tương tự, trước thông tin một số tài khoản mạng xã hội cho biết bắt gặp hình ảnh N.H.N. đến quán bar ở Tạ Hiện vào tối 3/3 và cho rằng cô gái này về từ vùng có dịch nhưng vẫn di chuyển đến những nơi công cộng trước khi phát bệnh, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng nhanh chóng lên tiếng đính chính thông tin sai lệch.

Ông đề nghị công an xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. “An ninh mạng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Người dân nên theo dõi thông tin chính thức từ thành phố chứ không nên nghe thông tin thất thiệt”.

#4. “Chính phủ Việt Nam cho biết khi bay về nước từ London, cô đã không đề cập đến chuyến thăm Italy”

Thiếu thông tin quan trọng. Theo Công an cửa khẩu Nội Bài, N.H.N. sử dụng hộ chiếu Anh để di chuyển đến các nước châu Âu, song khi về nước ngày 2/3, người này lại sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh.

Công an cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ từng trang của hộ chiếu nhưng không phát hiện có con dấu xuất nhập cảnh của Italy. Cùng với việc khai gian tờ khai y tế để vượt qua vòng kiểm dịch của CDC Hà Nội, N. đã được giải quyết nhập cảnh bình thường.

Bên cạnh đó, theo nhiều dân mạng, bài báo của The New Yorker chỉ đề cập đến việc bác của cô bị nhiễm Covid-19 từ cháu, nhưng không cho biết bà có thể không qua khỏi nếu không nhận được sự cứu chữa tận tâm của các bác sĩ Việt Nam.

YouTube video

Đêm 6/3, UBND Hà Nội công bố nữ bệnh nhân N.H.N. là ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội (thứ 17 tại Việt Nam) dương tính với virus corona.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 15/2, bệnh nhân xuất cảnh từ Nội Bài sang London (Anh). Đến 18/2, bệnh nhân từ London sang Milan (Italy) khi nơi đây chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát.

Đến 20/2, bệnh nhân quay trở lại London để sang Paris (Pháp) gặp chị gái. Ngày 26/2, bệnh nhân quay lại London. Ngày 29/2, cô có biểu hiện ho nhưng không đi khám, hôm sau xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người.

Trong ngày 1/3, bệnh nhân đáp chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines từ London về Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3 (lúc này bệnh nhân không sốt).

Sau khi về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, bệnh nhân xuất hiện sốt (38 độ C), ho nhiều, có đờm, mệt mỏi và đã đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, quận Ba Đình vào ngày 5/3.

Sau khi được chẩn đoán viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở và được kết luận dương tính với Covid-19.

Đến ngày 11/3, N.H.N. và 14 hành khách đi cùng chuyến bay VN54 đã được kết luận dương tính với Covid-19.

Góc quảng cáo