Xem nhanh
Mua điện thoại cũ thoạt nhìn qua có vẻ tiết kiệm, nhưng đồng thời trong đó cũng chứa những rủi ro đáng kể cho người mua
Việc mua lại điện thoại cũ có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm một số tiền, nhưng bù lại bạn sẽ đứng trước nguy cơ như đó là hàng ăn cắp hoặc đã bị thay linh kiện. Do đó bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi bỏ tiền ra mua những “món hời” này.

Tình trạng pin kém
Thực tế là dung lượng pin của những chiếc điện thoại cũ sẽ không nhiều như máy mới xuất xưởng. Tùy thuộc vào độ tuổi mà một chiếc điện thoại có thể đã trải qua hàng trăm hoặc hàng ngàn lần sạc. Nếu mua phải những chiếc điện thoại như thế này thì hậu quả là bạn càng phải cắm sạc nhiều hơn nữa do pin đã chai.

Dung lượng pin thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của điện thoại cũ đến mức bạn có thể sẽ phải thay pin sau khi mua. Đây là lý do mà bạn nên kiểm tra dung lượng pin của iPhone hoặc các dòng Android đã qua sử dụng trước khi mua. Nếu dung lượng chỉ còn dưới 80% hoặc tệ hơn là dưới 70% thì tốt nhất là tìm một sản phẩm khác.
Hết hạn bảo hành
Khi mua điện thoại cũ từ một bên thứ ba, có khả năng đó là sản phẩm đã hết hạn bảo hành từ lâu. Nếu lúc này thiết bị gặp phải hỏng hóc gì thì bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền để sữa chữa, thậm chí tiền sữa chữa đôi khi đủ để mua một chiếc điện thoại mới.
Ngoài ra, nếu gặp trục trặc với phần mềm thì bạn cũng sẽ không có được sự hỗ trợ từ chính hãng. Tốt nhất bạn chỉ nên mua những chiếc điện thoại cũ nhưng còn hạn bảo hành tương đối. Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra hạn bảo hành từ điện thoại hoặc thông qua trang web của nhà sản xuất.
Nguy cơ lừa đảo hoặc ăn cắp
Nếu bạn nhận được lời mời mua điện thoại cũ từ người bạn chưa quen biết rõ hoặc người lạ thì tỷ lệ cao đó là thiết bị trộm cắp bán lại. Nếu chủ nhân của điện thoại đã báo mất và đã khóa máy thì chắc chắn bạn sẽ không thể sử dụng được nữa. Tệ hơn nữa là nếu cứ sử dụng bạn sẽ có nguy cơ gặp rắc rối với pháp luật.

Để kiểm tra thì bạn có thể yêu cầu người bán cung cấp số IMEI – một số đặc biệt dùng để xác định điện thoại. Từ số này bạn có thể kiểm tra tình trạng của thiết bị để chắc chắn mình không mua phải đồ ăn cắp.
Những thiết bị ẩn
Dù điện thoại có vẻ ngoài hoàn hảo, bạn vẫn không thể chắc chắn bên trong có bị cài thiết bị theo dõi hay đánh cắp dữ liệu. Hiện chưa có cách kiểm tra tuyệt đối, nhưng bạn vẫn có thể thực hiện vài bước đơn giản để phát hiện dấu hiệu bất thường.

Bạn có thể kiểm tra các nút bấm, loa và độ chắc chắn của cổng sạc. Ngoài ra, hãy xem chỉ báo LCI (Liquid Contact Indicator) trong khay SIM — nếu chuyển sang màu đỏ, tức là linh kiện bên trong đã từng tiếp xúc với nước.
Tiềm năng bán lại thấp
Bạn chọn mua điện thoại cũ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu muốn bán lại, giá sẽ còn thấp hơn. Phần lớn máy loại này đã cũ, không còn được hỗ trợ và thường có dấu hiệu trầy xước.
Giới hạn nâng cấp phần mềm
Nhà sản xuất thường phát hành các bản vá để cải thiện hiệu năng, sửa lỗi và tăng cường bảo mật. Tuy nhiên, các bản cập nhật này chỉ được hỗ trợ trong thời gian giới hạn. Nếu mua điện thoại đã qua vài năm sử dụng, nhiều khả năng máy sẽ không còn nhận được cập nhật, khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân. Ngoài ra một số ứng dụng sau này chỉ vận hành được nếu bạn đang sử dụng phiên bản hệ điều hành mới nhất.