Công ty an ninh mạng Sixgill vừa công bố báo cáo gian lận tài chính ngầm nửa đầu năm 2019, gồm xu hướng, các thương vụ mua bán trái phép thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ diễn ra trên dark web (web đen).
Cụ thể, có hơn 23 triệu thẻ bị đánh cắp và rao bán trên những trang dark web. Thống kê cho thấy, hơn hai phần ba số thẻ này có nguồn gốc từ Mỹ (khoảng 15 triệu thẻ) và không có nước nào chiếm hơn 10%. Xếp thứ hai là Anh với 7,4%, trong khi Nga chỉ có 316 thẻ tín dụng bị rò rỉ. Theo các nhà phân tích, có hai nguyên nhân khiến số lượng thẻ thanh toán của Nga bị rò rỉ ở mức thấp nhất. Đầu tiên, do ở Nga có đông đảo tin tặc hơn so với những nơi khác. Thứ hai là vị thế kinh tế của nước này.
“Tình hình tài chính của Nga không có gì mới. GDP bình quân đầu người nước này là 11.000 USD, chỉ bằng một phần sáu so với Mỹ (62.000 USD). Sự chênh lệch kinh tế đã dẫn đến khác biệt giữa số lượng thẻ của hai nước bị rao bán ở các thị trường ngầm”, báo cáo cho biết.
Dù những điểm giao dịch và thị trường kinh doanh bất hợp pháp liên tục bị triệt phá bởi các cơ quan pháp luật nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trang dark web chuyên mua bán thông tin bị đánh cắp. Theo Sixgill, có ba trạm giao dịch (trading post) cung cấp 64% tổng số thẻ trong nửa đầu năm nay. Tổng cộng có 57% dữ liệu tài chính bị đánh cắp là thẻ Visa, Mastercard chiếm 29% và thẻ AMEX chiếm 12%.
Đa phần người dùng có thể mua những tài khoản tín dụng bị đánh cắp chỉ với giá 5 USD trên dark web. Các trạm giao dịch chứa hàng ngàn số thẻ có thể sử dụng để mua hàng trực tiếp. Những tài khoản có giá trị nhất thường chứa số CVV – mã bảo mật ba chữ số ở mặt sau thẻ.
Theo ZDNet