Mẫu iPhone 12 của Apple được cho là không tuân thủ các quy định của Châu Âu về việc tiếp xúc sóng điện từ với con người.

Theo CNET, cơ quan Tần số của Pháp (ANFR) đã yêu cầu Apple tạm thời ngừng bán iPhone 12 tại quốc gia này. Cơ quan chính phủ này cho biết điện thoại này đã vượt quá giới hạn hấp thu sóng radio trên cơ thể người (SAR) của Châu Âu.

Bức xạ điện từ khiến Pháp buộc Apple ngừng bán iPhone 12 có thật sự nguy hiểm?

Bức xạ điện từ thường xuất hiện ở các thiết bị điện như đường dây điện, lò vi sóng… Điện thoại thông minh cũng là nguồn phát sóng điện từ, bức xạ trên smartphone là những tần số sóng phát ra từ điện thoại khi hoạt động, nhờ những dãy xung vi ba ngắn liên tiếp nhau với cường độ cao đến các trạm thu phát sóng di động (trạm BTS). Đó là lý do khiến điện thoại nóng lên khi hoạt động một thời gian. 

Martin Blank, cựu giảng viên nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên tế bào tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia từng nói bức xạ điện từ ngày một gia tăng trong môi trường sống sẽ gây tổn hại DNA trong các tế bào dẫn đến bệnh tật nhiều hơn.

Tuy nhiên năm 2018, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã kết luận không có đủ bằng chứng để khẳng định bức xạ từ điện thoại gây ung thư ở người. Kết luận này dựa trên báo cáo từ Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ (NIH) để thực hiện các nghiên cứu.

Bức xạ điện từ khiến Pháp buộc Apple ngừng bán iPhone 12 có thật sự nguy hiểm?
Apple có thể sẽ sớm tung bản cập nhật để đáp ứng tiêu chuẩn SAR của EU

NIH đã thí nghiệm đặt những con chuột trong môi trường bức xạ điện thoại ở mức độ cao trong 9 tiếng mỗi ngày, liên tục trong 2 năm và không có sự khác biệt nào. Bức xạ điện thoại có mức năng lượng thấp hơn nhiều so với chụp X-quang và hoàn toàn không có khả năng để gây ung thư ở người. FDA kết luận smartphone phát ra các mức năng lượng tần số vô tuyến thấp không ion hóa, do đó không được coi là đủ mạnh để làm hỏng vĩnh viễn mô sinh học bao gồm cả DNA.

Dù vậy khi sử dụng các thiết bị không dây với mức bức xạ càng thấp thì người dùng cũng sẽ đỡ lo lắng hơn phần nào. Smartphone sử dụng tần số vô tuyến (RF) để gửi và nhận, người dùng sẽ hấp thụ năng lượng này với mức độ nhất định được gọi là tỉ lệ hấp thu sóng trên cơ thể (SAR).

Giới hạn SAR phổ biến nhất của EU là 2 W/kg, cao hơn một chút so với giới hạn của FCC ở Mỹ (1,6 W/kg). Đây là mức giới hạn khi người dùng đặt điện thoại lên cạnh tai, và Apple đã đạt mức giới hạn SAR này.

Bức xạ điện từ khiến Pháp buộc Apple ngừng bán iPhone 12 có thật sự nguy hiểm?

Nhưng khi cơ quan Tần số của Pháp (ANFR) đo tỷ lệ hấp thụ ở các chi – mô phỏng người dùng cầm iPhone trên tay hoặc bỏ trong túi quần – chiếc iPhone 12 đã đo được SAR là 5,74 W/kg, cao hơn mức giới hạn 4 W/kg. Dù vậy các quan chức chính phủ nhận định Apple có thể tung ra bản cập nhật phần mềm để khắc phục sự cố. Hãng rất có thể sẽ dùng giải pháp phần mềm để tránh phải thu hồi sản phẩm.

Về phần mình, Apple đã trả lời Reuters và AFP là iPhone 12 đã được các cơ quan quản lý quốc tế chứng nhận là tuân thủ. Sản phẩm có kết quả thí nghiệm độc lập từ bên thứ ba cho thấy tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn SAR trên toàn thế giới. Táo khuyết cho biết sẽ tranh luận về kết quả của ANFR và hợp tác với cơ quan này để tìm ra hướng đi tiếp theo.

Góc quảng cáo