Anh Ngọc đang tìm mua một màn hình thông minh, tích hợp AI để gắn lên ô tô cá nhân của mình. Anh không nghĩ rằng, mình chính là một nhân tố góp phần thúc đẩy những bước tiến mới cho kỷ nguyên trí nhân tạo (AI) trên “xế hộp”. 

Cuộc chơi phụ kiện ô tô thông minh

7h tối, chị Minh Châu (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang bận tư vấn cho khách hàng. Họ đến cửa hàng và yêu cầu thông tin về sản phẩm đầu Android Box dành cho ô tô.

Là nhân viên kinh doanh tại đại lý chuyên bán phụ kiện ô tô, chị cho biết, lượng khách hàng muốn nâng cấp phụ kiện cho “xế hộp” tăng cao, nhất là đối với những khách hàng mua xe đã lâu, trên xe chưa tích hợp sẵn công nghệ mới.

Với những ô tô không có màn hình trong thiết kế gốc, chị Châu sẽ tư vấn khách lắp thêm màn hình rời. Theo chị, khách chủ yếu tìm hiểu những dòng màn hình thông minh mới, được tích hợp nhiều tính năng, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Khách tìm mua thêm Android Box cũng vậy.

“Nhu cầu của chủ xe thay đổi theo thời gian. Công nghệ đã tác động mạnh tới hành vi tiêu dùng. Chủ xe tìm đến những tiện ích mới, phục vụ trải nghiệm sau vô lăng. Ví dụ, một chiếc xe sẽ bị coi là lạc hậu nếu không có ứng dụng công nghệ thông minh hay trợ lý giọng nói” – chị Châu cho biết.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, anh Tuấn Ngọc (Quận 1, TP.HCM) cho hay, chi phí và tiện ích của sản phẩm là hai yếu tố chính để anh cân nhắc khi tìm mua một chiếc màn hình thông minh cho xe ô tô.

Theo anh Ngọc, có rất nhiều loại màn hình trên thị trường với giá cả hợp lý. Cá nhân anh ưu tiên loại màn hình sắc nét, cho trải nghiệm “mượt” và có tích hợp sẵn trợ lý thông minh. Đa số các đại lý phụ kiện ô tô sẽ đến tận nơi lắp đặt và cho khách hàng dùng thử miễn phí trong 1 tuần. Khách ưng ý mới “chốt” đơn hàng.

217446--ai-nganh-cong-nghiep-o-to
Theo thống kê, trợ lý giọng nói trên ô tô sẽ được tích hợp trên khoảng 90% phương tiện mới được bán ra trên toàn cầu vào năm 2028

Có thể thấy, từ yêu cầu của của thị trường, các hãng xe, đơn vị sản xuất màn hình cũng buộc phải chuyển đổi, tăng cường đầu tư công nghệ, tích hợp cho sản phẩm.

Một nghiên cứu toàn cầu về ô tô do Hãng Zebra (Mỹ) công bố dựa trên khảo sát người dùng và các lãnh đạo trong ngành công nghiệp này, cho thấy, người mua ô tô ngày càng đòi hỏi cao hơn. Theo đó, người mua mong muốn xe hơi phải được cá nhân hoá, minh bạch về phụ kiện và thân thiện môi trường. Đáng chú ý, khi cân nhắc mua hoặc thuê một phương tiện, 81% người tiêu dùng muốn hiểu rõ về nguồn gốc của vật liệu, hay các phụ kiện trên xe.

Ngành ô tô xác định, chỉ có công nghệ mới giải quyết được vấn đề. Các lãnh đạo trong ngành công nghiệp này nhận định, phải đầu tư cho công nghệ lẫn quy trình sản xuất sản phẩm. Số liệu chỉ ra, 7/10 nhà sản xuất ô dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho công nghệ; 6/10 nhà sản xuất có kế hoạch tăng ngân sách cho hạ tầng sản xuất trong năm 2023.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung toàn cầu, cuộc “chạy đua” về tích hợp công nghệ trợ lý thông minh của các hãng xe và các hãng màn hình là minh chứng rõ nét.

217446--ai-nganh-cong-nghiep-o-to
Kiki đang là trợ lý tiếng Việt trên xe ô tô phổ biến, dễ tiếp cận nhất tại thị trường Việt Nam với số lượng người dùng tăng trưởng ấn tượng

Đơn cử, Kiki – trợ lý thông minh đầu tiên của người Việt do đội ngũ kỹ sư Zalo AI phát triển được ra mắt hồi tháng 12/2020. Không chịu kém cạnh, VinFast Vivi cũng xuất hiện và được giới thiệu cùng mẫu xe VF e34 vào tháng 10/2021.

Tuy vậy, với việc trợ lý Vivi chỉ xuất hiện trên các dòng xe VinFast. Có thể nói, Kiki đang là trợ lý tiếng Việt trên xe ô tô phổ biến, dễ tiếp cận nhất tại thị trường nội địa. Kiki cũng đạt những dấu ấn tăng trưởng đáng kể chỉ trong thời gian ngắn với 300.000 lượt cài đặt đến tháng 3/2023.

Các hãng màn hình lớn như Zestech, Gotech, Oled, Safeview, Bravigo,… đang tận dụng lợi thế trên, tích hợp mặc định trợ lý Kiki lên tất cả các dòng sản phẩm. Đến nay, đã có gần 30 hãng màn hình thông minh tích hợp sẵn trợ lý giọng nói “Made in Việt Nam” này.

Mới đây, sau cú bắt tay “đáng đồng tiền bát gạo” giữa TCMS – Motrex Hàn Quốc – Zalo AI hồi đầu năm, các bên cho biết, sẽ đưa trợ lý Kiki tích hợp sẵn vào hệ thống thông tin giải trí (IVI) trên những dòng xe Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.

Mảnh đất màu mỡ

Trong báo cáo đánh giá thị trường của RationalStat, thị trường trợ lý giọng nói trên ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn từ năm 2022-2030. Quy mô thị trường đạt con số nhiều triệu USD vào năm 2029.

Bối cảnh toàn cầu, châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Bất kỳ thay đổi nào từ Hoa Kỳ đều có thể ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của thị trường trợ lý giọng nói trên ô tô. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá có tốc độ tăng trưởng kép cao nhất trong giai đoạn 2018-2028.

217446--ai-nganh-cong-nghiep-o-to
Lượng khách hàng có nhu cầu nâng cấp phụ kiện cho “xế hộp” tăng cao, yêu cầu phải có tích hợp sẵn trợ lý giọng nói

Một báo cáo khác của Navigant Research dự báo, trợ lý giọng nói sẽ được tích hợp trên khoảng 90% phương tiện mới, được bán ra trên toàn cầu vào năm 2028.

Dù có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng các nhà đầu tư vẫn lạc quan về tiềm năng của thị trường trợ lý thông minh. Tương lai, sẽ có nhiều khoản đầu tư mới vào lĩnh vực này.

Các yếu tố góp phần vào tăng trưởng của thị trường bao gồm: nhu cầu tích hợp trợ lý giọng nói trong ô tô gia tăng; nhu cầu được kết nối, nhấn mạnh vào sự an toàn khi lái xe, giảm sự mất tập trung khi điều khiển phương tiện; những tiến bộ trong công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói; nhu cầu của người dùng đối với các dịch vụ được cá nhân hóa; những trải nghiệm trực quan….

Giới chuyên gia đánh giá, sự chuyển dịch của trải nghiệm không chạm trên lĩnh vực ô tô nói riêng và ngành công nghệ nói chung, đang tạo ra bước tiến mới trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo. 

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo