Trong khuôn khổ sự kiện Computex 2023, mình đã được mời tham quan đến khu triển lãm sản phẩm và giải pháp đến từ thương hiệu Synology, xin chia sẻ với các bạn trải nghiệm của mình về sự kiện này.
Khác với triển lãm Computex 2023 ở Nangang Exhibition Center, Synology thuê địa điểm tổ chức ở POPOP Taipei, cách cũng không quá xa, đi bus họ tổ chức đưa đón luôn mất khoảng 10 phút. Mình thì đi từ chỗ khách sạn tới cũng bằng bus luôn. Tới thì thấy có nhiều đoàn khách đeo thẻ Computex nên dự họ đi từ trung tâm sang tham quan luôn.
Sơ lược cho bạn nào chưa biết, Synology là tập đoàn của Đài Loan chuyên về thiết bị lưu trữ gắn mạng (NAS). Đài Loan thì mấy bạn cũng hiểu là dạo gần đây nổi lên như một thế lực của ngành công nghệ, thiết bị NAS thì nhiều hãng khác cũng có nhưng cái mà giúp Synology tách biệt ra khỏi thế giới thiết bị lưu trữ là họ tạo ra cả hệ điều hành và cả một hệ sinh thái xoay quanh thiết bị NAS luôn.
Các sản phẩm của Synology được phân phối trên toàn thế giới và được bản địa hóa với nhiều ngôn ngữ. Wirecutter năm 2018 gọi Synology là công ty hàng đầu trong lĩnh vực NAS dành cho doanh nghiệp nhỏ và gia đình. Gần đây thì hãng còn mở rộng danh mục sản phẩm ra với sự bành trướng của công nghệ AI khi có cả sản phẩm bộ định tuyến, camera IP dùng AI …
Không gian tổ chức triển lãm của Synology khá ấm cúng, hãng bố trí thành các cụm khu vực trong một không gian chữ nhật, người xem sẽ đi vòng từ phía phải sang trái.
Dưới đây là những khu vực mình đã xem qua:
Khu vực Collaboration (làm việc cộng tác)
Đầu tiên là phần Collaboration, nơi Synology đang hứa hẹn sẽ đưa giải pháp AI vào ứng dụng soạn thảo nội dung trên nền tảng của hãng. Theo trao đổi, ứng dụng này sẽ sớm được phát hành đến người dùng, và hiện dùng API của OpenAI – đơn vị phát triển ChatGPT nổi tiếng.
Phía hãng cũng cho mình biết họ cũng đang phát triển một nền tảng AI của riêng họ. Lúc mình tham quan thì hai anh bạn ở trang báo công nghệ là GenK và VnExpress đang thử nghiệm việc nhập prompt vào để trợ lý ảo này viết nội dung bài báo.
Như mình đã nói thì Synology đã phát triển những ứng dụng cho văn phòng và làm việc nhóm, điều gần như là tiêu chuẩn của các công ty hiện nay. Các giải pháp của hãng gồm có Synology Drive – giúp chia sẻ tập tin bất kể người dùng đang dùng nền tảng di động hay PC, đi cùng đó là đồng bộ và khả năng giám sát dành cho quản trị viên.
Kế đến là bộ giải pháp Synology Office, có thể hiểu nó giống như bộ công cụ văn phòng của Google Workspace, nhưng cái này người dùng sẽ không phụ thuộc vào Google nữa mà tất cả dữ liệu sẽ do chính họ quản lý và kiểm soát.
Ở các công cụ giao tiếp và làm việc nhóm, Synology có MailPlus – giống như Gmail vậy nhưng dĩ nhiên tất cả data cũng do chính doanh nghiệp hoặc cá nhân sở hữu. Tiếp đến là lịch làm việc (Calendar), danh bạ (Contacts) hay thậm chí cả công cụ nhắn tin (Synology Chat). Công ty Synology cho biết với những công cụ này thì đã gần như đầy đủ cho hầu hết các nhu cầu cơ bản của một văn phòng làm việc.
Tiếp đến là giải pháp đồng bộ hóa trên nền tảng đám mây cũng như phân quyền làm việc, Synology cũng đã có sẵn tất cả các giải pháp nhằm đồng bộ và phân phối đến thiết bị thông qua giải pháp đám mây nội bộ hoặc đám mây lai. Phía quản trị hệ thống cũng có những công cụ mạnh mẽ để giúp quản lý việc chia sẻ dữ liệu.
Mình được chuyên viên của Synology chia sẻ cách mà các quản trị viên hệ thống dùng Synology có thể hạn chế được việc những tập tin chia sẻ trong thư mục bị tải xuống (download) hoặc cho phép tải xuống những tập tin văn bản nhưng bị ‘đóng dấu’ (watermark) nhằm tránh tài liệu bí mật bị rò rỉ trên mạng (khi bị rò rỉ thì dễ dàng xác định nguồn), hay thực hiện ngắt kết nối và tự động xóa nội dung đã đồng bộ trên thiết bị của nhân viên trong trường hợp bị đánh cắp…
Ở giải pháp bảo vệ dữ liệu tránh những thảm họa không mong muốn, Synology cũng có những giải pháp kết hợp giữa sao lưu khi dùng C2 Backup. Đầu tiên các dữ liệu sẽ được tạo thành nhiều bản copy ở các nền tảng do người dùng lựa chọn như Google Workspace, Microsoft 365 và đưa đến ổ NAS của Synology. Hãng cũng có giải pháp giúp giữ bản sao lưu của doanh nghiệp với các máy chủ đặt ở nước ngoài, từ đó giúp bảo toàn dữ liệu hơn.
Khu vực Suveillance (giám sát)
Đến khu vực này, phía Synology trưng bày giải pháp giúp giám sát an toàn dựa vào 2 model camera AI là BC500 và TC500 ra mắt hồi tháng 4. Giải pháp này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quan sát và truy xuất nội dung video, đồng thời AI trên camera còn có thể giúp phân tích hình ảnh và đưa ra cảnh báo theo thời gian thực…
Khu vực Personal, Home & Studio
Bên cạnh dành cho doanh nghiệp, các ứng dụng của Synology cũng được hãng đặt trọng tâm phát triển. Mình có thấy ứng dụng Synology Photos, một phiên bản tương tự như Google Photos hay Photos của Apple. Đại khái thì nó cũng sẽ lưu trữ và phân chia hình ảnh theo các album, tự động bóc tách khuôn mặt trong hình để phân lớp cho người dùng lựa chọn, hay thậm chí là tách hình ảnh dựa trên địa điểm chụp, các tag hay video đã quay…
Khu vực New Products
Mình đặc biệt hứng thú với ổ BeeDrive, sản phẩm được Synology cho biết là sẽ sớm ra mắt vào tương lai gần. Để dễ hiểu thì BeeDrive sẽ hoạt động tương tự như một ổ USB Flash Drive bình thường. Nhưng khi cắm vào máy tính chạy Windows (hãng nói sẽ sớm có cho macOS) và mở phần mềm do Synology viết thì việc đồng bộ hóa cũng như chia sẻ tập tin từ thiết bị di động lên BeeDrive sẽ rất nhanh, khá tương tự như tính năng AirDrop của thiết iOS, có lẽ vì thế mà hãng gọi nó là tính năng BeeDrop.
Với các giải pháp phần cứng, Synology cũng trưng bày hầu hết các dòng sản phẩm mình đang kinh doanh, từ router, ổ cứng di động cho đến ổ đĩa NAS, hệ thống lưu trữ dạng racks… cho các nhu cầu từ cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến doanh nghiệp lớn với sức chứa hàng Petabyte.