Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều người hẳn cũng biết dữ liệu của mình liên tục được thu thập. Từ những thứ nhỏ nhặt như các cookie cho đến những thứ lớn hơn, đặc thù hơn như địa chỉ IP, tất cả đều có thể dùng để xác định danh tính một người thông qua internet.
Bất cứ ai có mong muốn sử dụng các thông tin này đều có thể mua chúng một cách dễ dàng. Nhưng có một cách theo dõi còn phức tạp hơn thế, thậm chí vượt qua các cách thức bảo vệ phổ thông như chặn cookie hoặc VPN.
Được thực hiện bằng cách thu thập nhiều thông tin về một nhóm hoặc đôi khi là một người dùng duy nhất, cách thức này có tên gọi là “vân tay ảo” (Digital fingerprint). Với đủ số lượng thông tin có được thông qua các trang web và quảng cáo, hoàn toàn có thể nắm bắt chính xác được một người đang làm gì trên internet.
Một “vân tay ảo” không chỉ là một file hoặc một data duy nhất. Đó là tập hợp một phổ rộng và đa dạng thông tin được thu thập từ các thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, laptop, PC, thậm chí TV thông minh) khi người dùng sử dụng internet. Khi kết hợp tất cả các thông tin này lại, ta sẽ có được một bức tranh toàn cảnh về người dùng đó.
Vậy các thông tin nào sẽ bị thu thập? Câu trả lời là rất nhiều, thậm chí đến cả những thứ người dùng không nghĩ sẽ bị ghi nhận lại.
Bắt đầu từ loại trình duyệt web sử dụng và hệ điều hành máy tính, cho đến những phần mở rộng được cài vào trình duyệt web, ngôn ngữ, thậm chí là một font chữ đặc biệt nào đó.
Dưới đây là một danh sách các thông tin có thể được hình thành thông qua vân tay ảo:
- Vị trí của người dùng thông qua địa chỉ IP và vùng thời gian được thiết lập.
- Loại thiết bị, nhà sản xuất, hệ điều hành.
- Các phiên bản trình duyệt web.
- Các phần mở rộng được cài đặt trong trình duyệt web.
- Thông tin hiển thị màn hình bao gồm độ phân giải, kích cỡ.
- Các quyền truy cập được cho phép như quyền điều khiển camera, micro…
- Mức pin và RAM.
- Hiển thị bàn phím mặc định.
- Các font chữ sử dụng.
Dù cho các thông tin này luôn được khai thác liên tục, chúng lại đa phần vô hại. Một ví dụ dễ hiểu như một trình duyệt web sẽ cần biết về kích cỡ màn hình cũng như độ phân giải để hiển thị nội dung chữ một cách dễ đọc nhất. Tuy nhiên các công ty quảng cáo đã dùng cách này để tạo ra một hệ thống theo dấu phức tạp mà không cần đến những phương tiện truyền thống như cookie hoặc số IP.
Các trang web và công ty quảng cáo sẽ liên tục trao đổi các vân tay ảo với nhau. Với những mạng lưới lớn, đặc biệt là các trang web có lượng truy cập lớn như Google, Amazon, Facebook, YouTube, hoàn toàn có thể xây dựng một tập hợp sở thích của bất kỳ người dùng nào và dùng nó để quảng cáo, đặc biệt hơn là giới thiệu các sản phẩm mà họ đang muốn mua.
Đúng vậy, nếu không phải là một tỷ phú hay một chính trị gia khét tiếng nào đó, thì mục tiêu mà các công ty nhắm đến đa phần là quảng cáo. Tuy nhiên các thông tin quảng cáo hoàn toàn có thể là cánh cửa dẫn đến các thông tin cá nhân.
Cũng vì các vân tay ảo được cấu tạo từ nhiều thông tin khác nhau, nên rất khó để có thể hoàn toàn ngăn chặn việc các trang web khai thác các thông tin này. Các cách truyền thống như VPN và chặn cookie không thể chặn hoàn toàn, dù chúng cũng góp phần làm việc thu thập các dữ liệu khó khăn hơn. Một vài trình duyệt web như Firefox cũng hỗ trợ ngăn chặn phần nào việc này.
Vân tay ảo đã trở thành một phần của chính internet. Tuy mức độ nguy hiểm không cao, nhưng tiềm năng của nó khi kết hợp với các thông tin cá nhận lại tăng lên nhiều lần. Thật không may, lại không có một cách nào thực tiễn để có thể tham gia internet mà không để lại một phần dấu ấn cá nhân của mình lại.
Theo PCWorld