Bài này xin chia sẻ trải nghiệm của mình với sản phẩm bàn phím Targus Ergonomic Foldable Bluetooth Antimicrobial.

Mình nhớ ở một sự kiện gần đây, thương hiệu Targus đã chính thức vào thị trường Việt Nam. Từ lâu hãng này khi được nhắc tên đều được người dùng nhớ nhiều đến các dòng sản phẩm balo, túi đựng laptop, cáp sạc thông minh, hộp đựng máy tính bảng và các thiết bị ngoại vi… Bởi vậy mình cũng hơi lạ khi thấy sản phẩm phụ kiện di động và đặc biệt là thấy cái bàn phím Ergonomic này.

Dùng thử bàn phím không dây kháng khuẩn Targus

Thiết kế

Ngoài chiếc Macbook Air, mình cũng có dùng thêm điện thoại thông minh và cả iPad mini. Chính vì vậy từ cách đây vài năm mình đã để ý đến phụ kiện bàn phím bluetooth gập đôi hoặc gập 3 phần. Điều mình ưng ở các dòng sản phẩm này là gọn nhẹ, dễ dàng kết nối và đáp ứng nhu cầu nhập liệu nhanh.

Dùng thử bàn phím không dây kháng khuẩn Targus

Sản phẩm bàn phím gập không dây Targus này khi mở ra cho một góc chếch lên ở hai bên, đây là điểm mà nhiều hãng gọi nó là công thái học. Số phím trên bàn phím này mình thấy khá đủ, tương đương với bàn phím cho laptop.

Bàn phím dùng lớp màng có thể gập xuống ở giữa, tạo ra một thiết kế nhỏ gọn góc cạnh, dễ dàng đút vào cũng như lấy ra khỏi túi. Khi gập lại thiết bị không lớn hơn quá nhiều so với một chiếc smarpthone. Mình so thì chiều dài và độ dầy là tương đương chiếc iPhone 14 Plus.

Trải nghiệm

Các phím đa chức năng hoạt động thông qua phím chức năng Fn màu xanh. Dù vậy nếu bạn cần ghép nối thiết bị qua Bluetooth thì có hơi phiền chút. Bàn phím yêu cầu chọn tên thiết bị trước (1, 2 hoặc 3) rồi nhấn phím “ghép nối” (“z”).

Theo thông tin, viên pin 100mAh cung cấp thời gian sử dụng liên tục cho bàn phím lên đến 36 giờ. Điều mình thấy hơi buồn là vẫn dùng cổng micro-USB, trong khi giờ người ta đang chuẩn hóa tất cả dùng USB-C.

Dùng thử bàn phím không dây kháng khuẩn Targus

Dù rằng trong hộp sản phẩm có đi kèm sợi cáp sạc, nhưng nếu trong thiết bị của bạn đều đã dùng chuẩn Type-C cho sạc hoặc truyền dữ liệu thì cổng micro trở nên thừa thãi quá mức. Tuy vậy nó cũng không phải là vấn đề lớn với mình vì đa phần dòng bàn phím không dây này có thời gian dùng pin đủ cho hành trình mang theo dài ngày.

Ở trải nghiệm gõ và sử dụng, vì thường xuyên quen việc gõ 10 ngón nên mình không cảm thấy vấn đề khi bàn phím Bluetooth của Targus tách 2 cụm rời ra. Điều này cũng dễ dàng nếu như thông thường bạn hay dùng các bàn phím Ergonomic – công thái học. Nhưng với người thường chỉ “mổ cò” (dùng ngón trỏ hai bàn tay để gõ) thì việc này sẽ có thể làm bạn sử dụng khó khăn hơn khá nhiều.

Theo quảng cáo, bàn phím này có công nghệ kháng khuẩn DefenseGuard Antimicrobial Protection giúp cho bề mặt sạch hơn, ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật nhờ chất phụ gia kháng khuẩn. Thực tế sử dụng mình thấy bề mặt bàn phím ít bị bám bụi dù trong môi trường ngoài trời, điểm mình thấy bụi bị giữ lại nhiều là phần kết nối ở giữa nhiều hơn.

Dùng thử bàn phím không dây kháng khuẩn Targus

Lời kết

Với mức giá dưới 1,3 triệu đồng, bàn phím không dây Targus này là một lựa chọn khá hợp lý khi bạn muốn gõ văn bản nhiều hơn bằng các ngón tay – thay vì chỉ hai ngón cái ở hai bàn tay trên màn hình cảm ứng. Điểm trừ duy nhất theo mình ở bàn phím này chính là vẫn còn dùng cổng microUSB để cắm sạc.

Góc quảng cáo