Sau hơn hai tháng tranh tài, cuộc thi lập trình Solana Vietnam Coding Camp mùa 2 đã tổ chức lễ trao giải vào ngày 21.12 tại TP. HCM. Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100.000 USD, cuộc thi thu hút nhân tài mảng công nghệ thông tin trên khắp cả nước.
Khởi động hồi tháng 10, Solana Vietnam Coding Camp mùa 2 đã nhận được gần 2000 đơn đăng ký từ các bạn sinh viên và lập trình viên quan tâm đến công nghệ chuỗi khối (blockchain). Trong số đó, 200 ứng viên đã được lựa chọn để học hỏi và tranh tài thông qua xây dựng những sản phẩm, dự án có ý nghĩa thực tiễn trên nền tảng chuỗi khối của Solana.
Sau 8 tuần xây dựng, có 51 dự án đã hoàn thành. Các bài thi của Coding Camp lần này được đánh giá có sự đa dạng, chuyên nghiệp và tròn trịa hơn cả về mặt hình thức và mô hình kinh doanh so với mùa 1 được tổ chức hồi tháng 6/2022. Bên cạnh giải thưởng chính, cuộc thi còn có các giải riêng cho Dự án Tài chính Phi tập trung xuất sắc nhất, Dự án Tài chính Game hóa xuất sắc nhất, Dự án với Đội ngũ U20 xuất sắc nhất, dự án có Giao diện và Trải nghiệm người dùng tốt nhất, và Lập trình viên cá nhân xuất sắc.
Danh sách các đội thi đoạt giải:
Tài chính Phi tập trung
- Giải Nhất: Dự án Depocket: Ví điện tử giúp quản lý và đầu tư dễ dàng trên nhiều nền tảng chuỗi khối khác nhau
- Đồng giải Nhì: Dự án Lucifer & dự án icrosschain: sàn giao dịch hoán đổi chuỗi chéo
Tài chính Game hóa
- Giải Nhất: Dự án Lamas Finance: game dự đoán giá NFT, xổ số
- Giải Nhì: Dự án MetaHop: Hệ sinh thái Metaverse cho phép người chơi trau dồi kiến thức và tăng thêm thu nhập thông qua việc trả lời trắc nghiệm, giải đố
Đội ngũ U20
- Giải Nhất: Dự án SolShield: chữ ký số được chứng thực bằng chuỗi khối
- Giải Nhì: Dự án Dropium: hệ thống hỗ trợ trao thưởng tự động một cách công bằng, minh bạch và đến với đúng người
Trải nghiệm và Giao diện người dùng xuất sắc
- Dự án GAT: nền tảng xã hội kết nối tác giả và độc giả
- Dự án DeFi Terminal: nền tảng giúp người dùng theo dõi hoạt động của các dự án, sản phẩm Web3 khác
- Dự án Triple Pod: trò chơi xếp hình
- Dự án Meta Gallery: Phòng trưng bày 3D dành cho các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT
- Dự án Gafin: hệ sinh thái cho thể thao điện tử e-Sport, metaverse, NFT, hỗ trợ tổ chức giải đấu
Lập trình viên cá nhân xuất sắc
- Lê Thanh Tuấn – Dự án Le Flash: trao đổi NFTs
- Trần Khắc Vỹ – Dự án Ticket Box: hệ thống mua bán vé sự kiện
- Phạm Hồng Thái – Dự án Akather: lớp học metaverse để học mọi lúc mọi nơi
- Trần Huy Thắng – Dự án DHub: nền tảng cho thuê, mua bán giải pháp dApp
- Tạ Hoàng Minh – Dự án SOAS: nền tảng cho phép doanh nghiệp tích hợp ứng dụng Web3 vào hệ thống hiện có
- Phạm Hoàng An – Dự án SOL Mystery: nền tảng NFT dưới dạng hộp quà bí mật
Giải thưởng chính
- Giải Nhất: Dự án Hamstersbox: nền tảng trao đổi NFT và cửa hàng trực tuyến cho những sản phẩm kỹ thuật số, mua bán xuyên ứng dụng
- Giải Nhì: Dự án Mochi: phần mềm hội thoại tự động (chatbot) trên nền tảng Discord giúp đơn giản hoá quá trình gửi và nhận tiền mã hoá
- Giải Ba: Dự án Metain: nền tảng trao đổi bất động sản
Tiêu chí đặt ra cho các đội là phải phát triển những sản phẩm khả dụng và giải quyết được những nhu cầu thực tế của người dùng. Điểm chung của những dự án này là đều được xây dựng trong hệ sinh thái Web3 – thế hệ thứ 3 của Internet với đặc tính minh bạch, bảo mật và phi tập trung.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, Solana cùng các đơn vị đồng tổ chức như JobHopin, Coin98, Sentre Protocol, và Superteam Vietnam sẽ còn đồng hành cùng các đội thi sau khi chương trình kết thúc để tiếp tục phát triển những dự án này thành sản phẩm hoàn thiện.
Anh Trần Tuấn Anh, phụ trách Solana Superteam tại thị trường Việt Nam chia sẻ: “Các dự án trải đều trên các lĩnh vực như tài chính phi tập trung, tài chính game hóa (gamefi) và NFT. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy ấn tượng chính là sự có mặt của những đội thi đến từ các công ty công nghệ truyền thống có quy mô hàng nghìn nhân viên. Họ cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chuỗi khối với mục đích ‘token hóa’ bất động sản hay tạo ra giá trị dựa trên một tài sản cơ sở.”
Solana Vietnam Coding Camp không chỉ được tổ chức nhằm tìm ra những lập trình viên xuất sắc nhất, mà đây còn là chương trình giúp kết nối và năng cao trình độ của cộng đồng lập trình viên chuỗi khối trong nước. Cuộc thi đã mang đến hơn 16 buổi thảo luận và trao đổi kỹ năng chuyên môn giữa các thí sinh, chuyên gia cố vấn và nhân sự trong mảng công nghệ, được tổ chức trực tiếp tại TPHCM đồng thời livestream cho khán giả quan tâm theo dõi từ xa.
Hiện công nghệ chuỗi khối được coi là một trong những công nghệ mới nổi phát triển nhanh và có nguồn vốn dồi dào nhất trên thế giới. Việt Nam cũng được xếp hạng trong số những quốc gia có tỷ lệ ứng dụng chuỗi khối cao nhất, hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư và chiêu mộ nhân tài ở mảng này.