Nhằm giúp người dân cập nhật về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 4, Cục Quản lý đê điều & Phòng chống thiên tai và nhiều cơ quan ban ngành các tỉnh thành đã gửi đi 12 triệu tin nhắn qua ứng dụng Zalo.
Sáng ngày 18/09, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện mưa nhỏ đến vừa, có nơi mưa rất to. Để người dân có thể chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa lụt phức tạp, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã gửi ra hơn một triệu tin nhắn trên nền tảng Zalo OA (Official Account).
Nội dung tin nhắn đưa ra những cảnh báo cho người dân về tình hình mưa ngập tại các quận huyện trên địa bàn Đà Nẵng. Bên cạnh đó, người dân cũng được hướng dẫn cách chủ động theo dõi lượng mưa, mức ngập nước tại Đà Nẵng trong những ngày tới.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày, trước khả năng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông chuyển thành cơn bão số 4 đổ bộ vào miền Trung, Cục Quản lý đê điều & Phòng chống thiên tai cũng đã chủ động gửi đi “Hướng dẫn an toàn tàu thuyền tránh trú ATNĐ/bão” tới người dân các huyện ven biển thuộc 12 tỉnh thành, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Thông báo về tình hình áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đi kèm những khuyến cáo cụ thể cho người dân, chủ các phương tiện tàu thuyền, nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra do bão gây ra.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 12 triệu tin nhắn được gửi tới người dân qua Zalo trước khi bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19/9, tâm bão số 4 cách Đà Nẵng khoảng 210km về phía Đông Bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Tại nhiều tỉnh thành, các trường có thể chủ động cho học sinh nghỉ học tùy theo tình hình thời tiết thực tế. Công tác gia cố nhà cửa, giằng chống tránh bão cũng đang được triển khai nhằm giảm thiểu những thiệt hại gây ra do bão số 4.
Zalo đồng hành cùng các Bộ, ban, ngành phòng chống thiên tai
Trước đó, trong thời điểm bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, nhằm đưa ra những cảnh báo, thông tin sớm nhất giúp người dân chủ động phòng tránh bão, hơn 143 triệu tin nhắn đã được các Bộ, ban, ngành gửi đến người dân qua Zalo. Chỉ sau 10 ngày mở tính năng Zalo SOS, 1 triệu người dân tại các tỉnh thành phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi đã cập nhật tình hình để người thân và gia đình yên tâm.
Với tính năng “Yêu cầu hỗ trợ” trên Zalo SOS, người dùng có thể thực hiện hai thao tác “Kết nối cứu trợ” và “Liên hệ khẩn cấp” trực tiếp trên Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Đây là Mini App của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát hành trên Zalo để hỗ trợ người dân Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai.
Tính năng “Kết nối cứu trợ” giúp người dân kêu gọi cứu trợ trong tình huống khẩn cấp. Tính năng “Liên hệ khẩn cấp” cung cấp danh sách các đường dây nóng tại những địa phương chịu ảnh hưởng bởi siêu bão.
Ngoài ra, Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” còn giúp người dân phòng thiên tai với các kiến thức được cập nhật qua tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Truy cập vào tính năng này trên Zalo Mini App, người dân có thể tiếp cận thông tin, hình ảnh, học thêm các kỹ năng chủ động ứng phó trước, trong, và sau mỗi loại hình thiên tai theo những cách nhất quán, khoa học và đơn giản nhất.
Điểm mạnh nổi bật của Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” còn nằm ở khả năng tiếp cận đông đảo người dân Việt Nam với các nút thông tin dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số với tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer.
Được triển khai gần 4 năm, trang Zalo OA của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng Chống Thiên Tai đã thu hút hơn 426.000 người quan tâm. Trung bình mỗi năm có hơn 120 triệu tin nhắn khẩn cấp được gửi đến người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần đảm bảo hệ thống thông tin xuyên suốt, chính xác đến cộng đồng.