Theo thống kê hôm 13/6, có hơn 40% diện tích băng ở đảo Greenland tan chảy chỉ trong một ngày, tổng lượng băng tan ước tính hơn 2 gigatons (tương đương 2 tỷ tấn).

2 tỷ tấn băng ở đảo Greenland tan chảy chỉ trong một ngày

Theo các nhà khoa học, hiện tượng băng tan chảy vào giữa tháng 6 rất bất thường. Mùa băng tan trung bình của đảo Greenland diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, tập trung chủ yếu vào giữa tháng 7. Lượng nước tan chảy có thể lấp đầy công viên National Mall ở Washington rộng 59 ha với độ cao gấp 8 lần Đài tưởng niệm Washington (169m).

Thomas Mote, nhà khoa học đang làm việc tại Đại học Georgia chuyên nghiên cứu về khí hậu của Greenland cho biết, hiện tượng này tuy bất thường nhưng không phải chưa từng xuất hiện. “Đợt băng tan này có thể sánh với hồi tháng 6/2012”, Mote nói. Việc tan chảy nhiều vào đầu mùa hè là một dấu hiệu xấu, có thể năm 2019 sẽ một lần nữa lập kỷ lục về lượng băng tan trên đảo Greenland.

Mote giải thích rằng việc tuyết và băng tan ở đảo Greenland, đặc biệt là vào đầu mùa khiến cho quá trình tan chảy cuối mùa xảy ra dễ dàng hơn. Băng tuyết trắng, sáng và phản chiếu các tia nắng mặt trời vào không gian, làm giảm lượng nhiệt được hấp thụ và giúp giữ cho tảng băng lạnh – quá trình được gọi là “albedo – suất phản chiếu”. Theo Mote, hiện tượng băng tan chảy dẫn đến suất phản chiếu bề mặt thay đổi, hấp thụ nhiều nhiệt lượng của mặt trời và nhanh làm tan chảy băng hơn.

Dự đoán mùa băng tan kỷ lục

“Tất cả dấu hiệu đều đang cảnh báo về một mùa tan chảy lớn”, Mote nhấn mạnh. Ông không phải là nhà khoa học duy nhất nghĩ như vậy. Jason Box, nhà khí tượng học tại Viện Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, đã dự đoán vào cuối tháng 5: “2019 sẽ là một năm tan chảy nhiều ở Greenland”.

Box cho biết năm nay có những ngày băng tan đầu mùa bất thường vào tháng 4 và mùa tan chảy “xảy ra sớm hơn trung bình khoảng ba tuần và vượt kỷ lục năm 2012.” Ngoài việc băng tan đầu mùa, tuyết phủ đã thấp hơn mức trung bình ở Western Greenland.

Điều gì gây ra hiện tượng băng tan đột ngột?

Một kiểu thời tiết phức tạp đã làm tăng hiện tượng tan chảy. “Chúng ta có một dãy áp suất cao neo lại trên Đông Greenland trong suốt phần lớn mùa xuân, dẫn đến việc băng tan hồi tháng Tư – và mô hình đó vẫn tồn tại”.

Dãy áp suất cao giữ không khí nóng ẩm từ vùng Trung Đại Tây Dương vào đảo Greenland, khiến nhiệt độ băng tăng lên. Áp suất cao cũng ngăn hình thành mưa khiến trời nắng kéo dài. Vài tuần qua, dãy áp suất cao này đã trở nên mạnh hơn những luồng áp suất cao khác di chuyển từ Đông Mỹ, khiến thời tiết nóng và hanh khô kéo dài ở vùng Đông Nam trong tháng này.

Những năm 2012, 2010 và 2007 là các giai đoạn từng xảy ra đợt tan chảy lớn. “Chúng tôi chưa từng thấy băng tan trước những năm 1990. Nếu mùa băng tan trở thành hiện tượng bình thường sẽ tác động đáng kể đến tình hình biến đổi khí hậu và khiến mực nước biển dâng lên.

“Greenland đã làm tăng mực nước biển toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Ngoài ra, sự tan chảy bề mặt và dòng chảy cũng tác động không nhỏ đến hiện tượng này”, Mote cho biết.

Theo: CNN

Góc quảng cáo