Metaverse là một thuật ngữ thời thượng. Ngày càng nhiều thương hiệu tìm cách chinh phục Metaverse bằng các định dạng tích hợp khác nhau.

Chẳng hạn, Gucci đang tạo dựng thế giới của riêng mình trong metaverse Sandbox. Thương hiệu đồ xa xỉ này đã công bố sẽ mua đất ảo trong Sandbox để xây dựng thế giới của riêng mình trên nền tảng này.

Đồng thời, nhà hàng NFT đầu tiên, Flyfish Club, đã mở cửa tại New York. Bạn cần mua thẻ thành viên NFT để được vào nhà hàng này. Câu lạc bộ có số chỗ ngồi giới hạn: những người chủ nhà hàng đã phát hành 2.700 thẻ thành viên thông thường và 385 thẻ thành viên thứ hạng cao. Tư cách thành viên vĩnh viễn có giá 2,5 Ethereum, tương đương 8000 USD, theo đó khách hàng có thể dùng cocktail bar, nhà hàng và các sự kiện riêng.

Dan Neary, Phó chủ tịch Meta khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong bài phát biểu tại cuộc họp báo ảo gần đây cho biết Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ ứng dụng các công nghệ như di động và tin nhắn trong nhiều ngành nghề khác nhau nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

SoftBank Group Corp. đang đầu tư 150 triệu USD vào một nền tảng metaverse của Hàn Quốc, mà theo các công ty tham gia vào thương vụ này cho biết đã thu hút được nhiều người dùng nữ bằng cách bán các hạng mục thời trang cao cấp cho avatar 3D.

Nơi nào có tin đồn, nơi đó có lợi ích kinh tế. Theo dự báo về công nghệ VR và AR của PWC, các công nghệ này có thể ảnh hưởng tới 23 triệu việc làm vào năm 2030. Và các tác động này có thể mang lại 1,92 ngàn tỷ USD giá trị tăng trưởng kinh tế. Một trong những lý do của sự tăng trưởng kinh tế nói trên là các công nghệ sử dụng trong Metaverse có thể thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Metaverse – điểm đến ước mơ cùng các siêu rủi ro

Góc nhìn của doanh nghiệp

Các metaverse có thể mang lại lợi ích cho người dùng cuối khi vui chơi và dành thời gian trong các không gian ảo. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể thu được lợi ích từ việc sử dụng các không gian số

Một trong những lựa chọn rõ ràng nhất là nâng cao trải nghiệm giáo dục đào tạo cho nhân viên. Metaverse và các công nghệ tạo trải nghiệm đắm chìm có thể đẩy nhanh quá trình đào tạo kỹ năng số và các kỹ năng khác cho doanh nghiệp. 

Metaverse tạo ra những trải nghiệm học tập tương tác trong thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (Mixed reality), cho phép người học học nhanh hơn, ghi nhớ thông tin tốt hơn và tận hưởng quá trình học tập. Một nghiên cứu mới đây của PwC về việc sử dụng VR vào phát triển kỹ năng mềm cho thấy nhân viên được huấn luyện trong môi trường mô phỏng thực tế ảo học nhanh hơn gấp bốn lần so với người học trên lớp và nhanh hơn hai lần so với người học trực tuyến. Ngoài ra, tài nguyên được sử dụng hiệu quả hơn khi các tiết học ngắn hơn: chỉ 20 phút so với một tiếng.

Ngoài ra, theo dự báo của Aimprosoft, trong vòng vài năm tới, dự kiến thị trường e-learning sẽ có sự tăng trưởng đáng kể từ 185,26 tỷ USD năm 2020 lên 388,23 tỷ vào năm 2026.

Các siêu rủi ro ‘metarisk’

Từ một phương diện khác, thuật ngữ Metaverse không có ý nghĩa như nhau với tất cả mọi người. Thuật ngữ này được dùng để chỉ một thế giới ảo cụ thể nào đó như Fortnight hay để nói tới một hệ sinh thái VR như Oculus? Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi xuất hiện các từ khóa mới, như NFT và blockchain. Chẳng hạn, một công ty khởi nghiệp mới đây hứa hẹn sẽ đưa ra một giải pháp để tạo ra các avatar số ứng dụng công nghệ AI – có thể được đúc và bán như NFT để sử dụng trong Metaverse – đủ để khiến chúng ta hoang mang. 

Và câu hỏi đặt ra với nhiều người là tác động về an ninh bảo mật và tính riêng tư của sự phức tạp này là gì? Tuy nhiên, xuyên suốt tất cả những đồn đoán thổi phồng đó, chúng ta có thể thấy hầu hết mọi sự việc sẽ vẫn như cũ. Chúng ta sẽ vẫn gặp phải vấn đề chiếm đoạt tài khoản, dẫn tới đánh cắp thông tin định danh và giả mạo. Tương tự như vậy, kẻ xấu có thể chiếm được quyền truy nhập thư từ trao đổi cá nhân hay công văn giấy tờ của công ty nếu chúng xâm nhập được tài khoản email của bạn qua email lừa đảo, mã độc hay giả mạo thông tin nhận dạng, ngoài ra chúng còn có thể chiếm được quyền truy nhập dữ liệu cá nhân của bạn lưu trữ trong nền tảng Metaverse mà bạn ưa thích. Như vậy, từ quan điểm của doanh nghiệp, con người vẫn là mắt xích yếu nhất trong bảo vệ an ninh mạng.

Một vài sự việc có thể khác đi, và chúng ta hãy cùng hình dung viễn cảnh trong một vài năm tới nếu khái niệm này vẫn tiếp tục phát triển. Tính tương tác là một trong những tính năng hứa hẹn của Metaverse. Chẳng hạn, bạn có thể tiếp cận một ngôi nhà mình mua tại Decentraland và một đôi giày thể thao xa xỉ được mua từ OpenSea trên tất cả các nền tảng, bao gồm cả nền tảng nơi bạn đến làm việc tại văn phòng ảo. Khả năng tương tác này tạo ra một điểm sai lỗi đơn nhất và gia tăng áp lực bảo vệ các tài khoản của bạn.

Một vấn đề khác là khả năng này có thể được xây dựng trên blockchain, chẳng hạn như Ethereum. Vì vậy, người dùng sẽ phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ an toàn thông tin định danh và tài sản số vì các chuỗi khối hiện tại không có đơn vị quản lý tập trung. Điều đó có nghĩa là nếu ảnh đại diện avatar NFT của bạn bị đánh cắp, nền tảng này sẽ không thể giúp được bạn, như ví dụ về vụ đánh cắp NFT Ape nổi tiếng đã cho thấy. Ngoài ra, gắn định danh (và quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân) với một ví blockchain, trong có bạn cất cả tiền và tài sản số của mình, sẽ khiến giới tội phạm mạng chú ý hơn đến việc chiếm quyền tiếp cận các loại ví này.

Cuối cùng, lòng tin vào nền tảng có vai trò rất quan trọng. Hiện nay nhiều công ty đã sử dụng đám mây làm hạ tầng cơ sở chính và tổ chức lực lượng lao động theo hình thức phân tán để khai thác năng lực của đám mây, vì vậy việc đưa văn phòng lên thế giới VR sẽ là bước đi hợp lý tiếp theo (mặc dù để ý tưởng làm việc toàn thời gian 8 tiếng tại văn phòng VR trở nên hấp dẫn, công nghệ còn cần thêm nhiều thay đổi đáng kể). Những người làm công việc xử lý dữ liệu cá nhân hoặc thông tin mật nên tiếp tục sử dụng các giải pháp tại chỗ on-prem và không đưa thông tin định danh của nhân viên lên blockchain.

Như vậy, nếu Metaverse thực sự trở thành một viễn cảnh mới (dù vẫn còn nghi ngờ về khả năng hiện thực hoá của điều này) thì cơ sở để giảm nhẹ các mối đe dọa vẫn tiếp tục không thay đổi: hãy bảo vệ các tài khoản của bạn bằng phần mềm quản lý mật khẩu và 2FA (xác thực 2 yếu tố), hãy sử dụng giải pháp an ninh mạng đáng tin cậy để ngăn chặn các cuộc tấn công mã độc và lừa đảo dạng phishing, hãy tự đào tạo và đào tạo nhân viên những giải pháp  an ninh mạng tốt nhất. Nếu bạn đã sử dụng tiền mã hóa, hãy đầu tư sử dụng ví cứng (hardware wallet) và xin vui lòng đọc hướng dẫn về an ninh mạng của chúng tôi để bảo đảm an toàn cho tiền mã hóa của bạn.

Rõ ràng là Metaverse còn cần thêm nhiều thời gian để trở thành thực tại vững chắc, nhưng đến khi Metaverse trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn, không phải mọi thương hiệu đều có thể tăng trưởng trong các thị trường cạnh tranh này. Các hiện thân số avatar, giống như những người chủ kiểm soát chúng, sẽ không có thời gian, cơ hội hay năng lượng không giới hạn để tương tác với các doanh nghiệp. Những thương hiệu mong muốn phát triển thịnh vượng trong thế giới Metaverse tương lai cần khám phá các đường biên và cơ hội ngày nay và đặt cược những gì tốt nhất của mình trước khi tất cả các miền đất ảo đều đã bị chinh phục.

Sandra Lee, Giám đốc Điều hành Kaspersky khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Góc quảng cáo