Ngoài việc giới thiệu về AI Committee, các thành viên hội đồng AI còn chia sẻ những suy nghĩ của mình khi tham gia vào MoMo, cũng như những nhận định về thị trường công nghệ trong 10 năm tới.

Điều gì ở MoMo thu hút các bạn về với MoMo?

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Nguyễn Mạnh Tường: Phó Chủ Tịch HĐQT & đồng Tổng Giám Đốc

Phạm Kim Long: Ngoài chuyên môn, tôi nhận thấy các anh ở MoMo rất quý người. Ngoài ra, về với MoMo là cơ duyên, đó là sau 8 năm làm việc ở công ty trước, tôi cần sự thay đổi để có thách thức lớn hơn, thú vị hơn. Khi trao đối với các anh lãnh đạo MoMo là anh Nguyễn Mạnh Tường (PCT HĐQT, Co-CEO), anh Thái Trí Hùng (PTGĐ – CTO) tôi thấy tầm nhìn, mục tiêu về AI rất thiết thực, cũng không đòi hỏi có kết quả ngay và các anh biết cần có thời gian. Thứ 2, tôi cũng thích bài toán anh Tường đặt ra là xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong AI, xây dựng chatbot dành cho chăm sóc khách hàng. Đây là những bài toán rất cụ thể nhưng cũng rất thách thức nên tôi quyết định gia nhập MoMo 

Đặng Hoàng Vũ: Khi lựa chọn chỗ để đi, quan trọng ở đó mình làm được gì, còn không đều vô nghĩa. MoMo có vài chục triệu người dùng hàng ngày, có dữ liệu thật. Làm AI thì Data rất quan trọng và khi người dùng dùng nhiều mình có nhiều cơ hội mang kỹ thuật của mình đem lại hiệu quả thật cho người ta. Thứ 2, ở MoMo mọi người đều có mong muốn làm thật, tất cả khó khăn hay kỳ vọng gì cũng nói rõ với nhau từ đầu. 

Trần Thị Lạc Thanh (Lãnh đạo nữ đầu tiên của AI Committee): Mình cũng muốn phát triển Women in Tech ở MoMo. Hồi ở Mỹ mình cũng không biết Ví điện tử hay MoMo, sau đó một lần về Việt Nam thấy bạn bè giới thiệu mình tải ứng dụng thử, thấy tiện lợi, không cần tiền mặt và giúp cuộc sống tốt hơn, đó là điều đầu tiên mình biết về MoMo và thấy rất hứng thú. Thứ 2, MoMo là một chân trời mới, mình mong muốn gia nhập MoMo tạo ra những tác động xã hội tích cực. Trước kia là làm mảng Social network. Khi trao đổi với mọi người trong MoMo, mình thấy mọi người có định hướng, mục tiêu xây dựng công ty có tác động lớn lên cộng đồng (social impact) nên mình rất hứng thú. 

Trịnh Xuân Tuân: Xuất phát từ trao đổi với anh Tường, anh Tường nói muốn giải bài toán O2O (online to offline). Đây là bài toán lớn và khó và nếu giải được sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt hỗ trợ đối tác (merchants). Tôi gia nhập MoMo vì đây là bài toán tôi muốn giải từ lâu mà chưa có cơ hội. Hơn nữa, khi bài toán giải được sẽ tạo ra những tác động tích cực cho người dùng rất lớn.

Anh Thái Trí Hùng, cảm nhận của anh về mọi người thế nào?

Tôi xin kể câu chuyện với anh Phạm Kim Long trước. Một người sếp rất cao của mình dạy về tuyển người thì nguyên tắc là “ít nhất mời họ đi ăn được 3 lần (sáng, trưa, tối), trong quá trình đó để xem cách họ ăn uống, nói chuyện như thế nào”. Nhưng anh Long thì cá biệt… tổng các bữa ăn lên đến… 5 lần (cười).

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Thái Trí Hùng: Phó Tổng Giám Đốc – CTO

Chuyện này tôi chỉ muốn nói là mời 1 người về, đầu tiên phải nghĩ đến là có thể giúp gì cho các bạn để các bạn thành công được ở MoMo. Thứ 2, sự đồng hành đó của các bạn tạo sẽ tạo ra những ảnh hưởng và phải cùng win-win. 

Với Vũ, tất cả các buổi nói chuyện đều qua zoom vì lúc đó anh Vũ đang ở Anh. Vũ nói với chúng tôi “các anh làm AI như thế nào, nếu chém gió thì tôi không về!”. Mất nửa tiếng thuyết phục anh Vũ là ở MoMo chỉ có làm thật, chưa bao giờ chém. Tôi cũng phải thuyết phục Vũ bằng các dự án, các ý định mà mình tin sẽ thành công, sẽ có kết quả, tạo ra tác động tích cực cho công ty cũng như khách hàng của MoMo.

Với chị Thanh, khi về Việt Nam chị Thanh chưa chọn MoMo. MoMo bền bĩ “yêu đơn phương” hơn 1 năm trời mà chị chưa đồng ý. Sau đó mình cử anh Long và anh Vũ đi thuyết phục lần 1 (lúc đó Thanh không còn làm tại VNG) và sau đó 2 anh ấy tiếp tục quay lại lần thứ 2 để đặt vấn đề cụ thể với Thanh. Câu chuyện chúng tôi chia sẻ với chị Thanh phần lớn là ở MoMo chúng tôi có những gì, hiểu được mong muốn cụ thể Thanh là gì và để Thanh thành công được ở môi trường MoMo thì cần những yếu tố, điều kiện nào. Sau 1 vòng như thế Thanh mới gật đầu. Ấn tượng thứ 2, Thanh cũng mê thể thao như cái “gen” của MoMo, sắp tới sẽ mời chị tham gia ironman. 

Với Tuân, 1 lần đi định giá, bước vào văn phòng cảm giác giống hệt MoMo 8-9 năm trước với 1 văn phòng nhỏ nhưng mình nhìn thấy tinh thần, nhiệt huyết của mọi người. Mình nhớ câu đầu tiên mình nói với Tuân là: Nếu Pique về MoMo mà không lớn được như MoMo bây giờ thì đó là thất bại của Pique, nếu mà Pique không  giúp được MoMo lớn gấp 10 lần thì là thất bại của MoMo. Và Tuân nói gấp 10 lần em nghĩ đủ sức và Tuân đã có mặt ở đây.

Khi đã gia nhập, anh chị thấy cái MoMo đang làm, đang hoạt động có giống cách anh/chị suy nghĩ không?

Phạm Kim Long:  Câu đầu tiên anh Tường hỏi có nên làm chatbot chăm sóc khách hàng được không. Tôi lúc đó cũng chủ quan bảo được (cười) nhưng thực sự làm rồi thì thấy khó hơn. MoMo cũng là tổ chức theo tôi là khá phức tạp so với tôi hình dung trước đây rất nhiều. 

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Phạm Kim Long: Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI

Đặng Hoàng Vũ: Về rồi thì đúng là MoMo không chém, nhưng có khí chất Lương Sơn Bạc. Cụ thể, trước khi vào MoMo, tôi nghĩ đây là công ty nhỏ nhất tôi làm từ trước đến giờ (bây giờ thì không nhỏ lắm, phát triển nhanh hơn tôi nghĩ). Chất Lương Sơn Bạc là ngày đầu tiên gặp anh Long, sau 1-2 tháng gặp người quen là Tuân, rồi rủ được cả Thanh… Ở đây có cảm giác như ngày xưa, nơi hội tụ các anh hùng hào kiệt ở đây, điều này tôi không nghĩ tới ở môi trường MoMo.

Trần Thị Lạc Thanh: Về một môi trường mới, tôi cần phải thay đổi để làm quen với công việc nhưng tôi thấy rất thú vị, thích nhất được làm việc với các đội, các team trong nhà, văn hoá các bạn rất trẻ trung làm mình thấy được trẻ hơn (cười) 

Trịnh Xuân Tuân: Lúc gia nhập MoMo anh Tường nói 1 bài toán nhưng vào rồi mới thấy nhìn đâu cũng thấy bài toán (cười), đến đâu cũng có thể áp dụng AI để phục vụ khách. Mình cũng chủ quan nghĩ các bài toán đó cũng đơn giản, giải nhanh được nhưng có dự án tôi xác định 2 tuần làm được nhưng kéo dài đến 2 tháng (cười). Tôi nhận ra nhiều khác biệt so với suy nghĩ ban đầu, mức độ phức tạp các dự án ở MoMo cao hơn nhiều và  độ phức tạp khó hơn vì số lượng người dùng MoMo rất lớn và liên quan đến nhiều phòng ban, lĩnh vực, tiêu chuẩn của MoMo. 

Ở MoMo, các anh/chị nói không tuyển người mà tìm đồng đội, chia sẻ thêm?

Đặng Hoàng Vũ: Tầm vĩ mô anh Hùng chia sẻ rồi, câu chuyện tôi và anh Long đi gặp chị Thanh 2 lần, mình thấy ở MoMo có rất nhiều bài toán lớn, đối với người tài mình phải vẽ ra bài toán không chỉ nó lớn đến đâu mà có thú vị hay không và thật sự có làm được không. 

Trần Thị Lạc Thanh: Giống ý tôi đã chia sẻ sơ qua, với tôi chọn công việc có 2 yếu tố: Thứ nhất, mình chọn team mà mình cảm thấy có 1 phần trong đó, có thể đóng góp được nhiều. Cái này tôi có có trao đổi với anh Hùng, anh Long, anh Vũ và cảm giác họ là những đồng đội của mình. Thứ 2, về tác động xã hội, tôi không muốn mình làm AI bay bổng, tôi muốn có những giá trị thiết thực đưa đến người dùng và mình quan tâm đến AI nâng cao trải nghiệm người dùng. 

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Bà Trần Thị Lạc Thanh: Giám đốc Khoa học dữ liệu

Anh Hùng có thể tóm tắt 1 cách tổng quát MoMo chiêu mộ nhân tài thế nào?

Quan điểm của tôi là không chiêu mộ ai cả, không phỏng vấn ai hết. Ở MoMo là mình rủ mọi người về, mọi người thấy mình hay, vui vui thì mọi người về thế thôi. 

Anh em luôn xác định mình đi cùng với nhau, đồng hành với nhau. May mắn là mọi người tự thấy sự tác động MoMo mang lại cho mọi người xung quanh, cho ngành của mình đang làm việc nên rất tự nhiên, mọi người đi cùng với mình thôi. 

Tất cả các thành viên là CTO của những lĩnh vực họ đang phụ trách, với vai trò quản lý. Anh Hùng làm gì để tất cả các ngôi sao, thiên tài của mình cùng hợp tác, cùng phát triển ở MoMo?

Chia sẻ thực, CTO của MoMo không chỉ các bạn ngồi đây đâu, mình có khoảng hai mươi mấy bạn CTO như thế. 

Áp lực lớn nhất không phải mời mọi người về, mà đường xa vạn dặm bắt đầu từng bước đầu tiên, thực ra các anh chị của mình là làm sao từng bước, từng bước 1 đi lên, giữ mọi cùng với nhau. Công việc cũng thú vị nhưng không ít khó khăn và như mọi người hiểu, mỗi người 1 tính nên đôi lúc cũng có những mâu thuẫn nhẹ với nhau, mình thường đóng vai trò đúng giữa, anh này chém mình 1 tí, anh kia chém mình 1 tí, sau đó lại cùng đi tiếp với  nhau.

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Đặng Hoàng Vũ: Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh

MoMo đang ở đâu trên hành trình AI?

Đặng Hoàng Vũ: Tùy vào lĩnh vực áp dụng, có một số thứ MoMo rất cạnh tranh, có thể nói đang dẫn đầu thị trường trong nước, nhưng có một số lĩnh vực mình đang bắt đầu làm và một số lĩnh vực dài hơi tính bằng năm. Nhưng vấn đề không phải là mình đang ở đâu, mà làm sao phải đi được. 

Tôi muốn dùng hình ảnh máy đào đường xây đường tàu điện ngầm. Đằng trước có mũi khoan phá đá mở đường, trong bộ máy bản thân có hệ thống đường ray, đi đến đâu sẽ đặt đường ray đến đó. Chính nó sẽ đi trên đường ray đó. Với công ty công nghệ làm AI cũng thế thôi, quan trọng tổ chức, đội ngũ, con người cùng nhau liên tục đi tới. 

MoMo ứng dụng AI với những kết quả như thế nào?

Đặng Hoàng Vũ: Trước khi nói về việc ứng dụng, tôi nghĩ có một yếu tố quan trọng khi chúng ta nói về AI-First là phải có Data-First. Một điều quan trọng của MoMo là nền tảng dữ liệu (Data Platform) và quản trị dữ liệu (Data Governance). Chúng tôi phải giải quyết vấn đề lớn nhất là quy mô. MoMo có hàng chục triệu người dùng và mỗi năm có thêm hàng triệu người, khối lượng dữ liệu theo đó sẽ tăng không chỉ theo số lượng người dùng mà còn qua tần suất sử dụng và những thông tin sinh ra từ trong việc sử dụng. 

Chúng tôi muốn gói gọn lại thành 3 tiêu chí: An toàn – Chính xác – Tốc độ. Để đạt 3 mục tiêu đó, chúng tôi phải kết hợp công nghệ bên ngoài và công nghệ bên trong anh em đã xây dựng những năm qua và thường xuyên cập nhật.  

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Trịnh Xuân Tuân: Giám đốc Khoa học Dữ liệu

Trịnh Xuân Tuân: Sau 6 tháng vào MoMo, mình đang tham gia và bắt đầu từ những bài toán nhỏ và cho ra kết quả trong việc phục vụ người dùng. MoMo muốn xây dựng siêu ứng dụng mà mọi người có thể tiếp cận được và an toàn vì liên quan đến tiền. Bài toán đặt ra là MoMo 400 dịch vụ khác nhau làm sao giới thiệu cho người dùng khi họ cần là điều quan trọng. Trước đây MoMo làm bằng cách tạo ra những “luật” (rule) để giới thiệu dịch vụ cho người dùng cuối. Sau này, khi áp dụng AI cho thấy những kết quả rất hứa hẹn, tăng tỷ lệ chuyển đổi người dùng lên 256%. 

Ở MoMo, vì câu chuyện phục vụ người dùng cuối quan trọng, MoMo mong muốn kết nối người dùng, đảm bảo tăng tương tác của họ để họ gắn chặt với hệ thống. Team mình đang giải quyết bài toán đề xuất bạn bè (Friend Recommendation, Friend Scoring) và ứng dụng vào bài toán Birthday Notification (Thông báo sinh nhật cho bạn bè). Sau khi áp dụng xong, kết quả tương đối khi mình giúp tỷ lệ chuyển đổi tăng gấp 3 lần. 

(Anh Thái Trí Hùng giải thích thêm): Birthday Notification giống như khi đến sinh nhật, sếp hay bạn bè mình sẽ nhận được thông báo và việc của anh Tuân là đảm bảo tin nhắn sẽ đến đúng với những bạn bè thường xuyên giao dịch, tương tác với họ, tránh gửi thông báo không cần thiết. 

Một bài toán khác chúng tôi đang giải mà có kết quả là bài toán bảo mật (AI for Security). Ở MoMo có hệ thống MoMo Feed, Chat, nhưng có nhiều bên lợi dùng điều đó để gửi tin nhắn Spam cho người dùng. Trong năm 2021, trung bình một ngày có 200.000 tin spam, chiếm 50% tổng lượng tin nhắn hệ thống nhưng sau khi áp dụng AI đã giảm chỉ còn 0,2% tổng lượng tin nhắn toàn hệ thống. Đó là cách mình đi từ những bài toán nhỏ và có kết quả, thể hiện mình ứng dụng AI để phục vụ người dùng, giúp họ có được sự tiện lợi và an toàn. 

Trần Thị Lạc Thanh: Việc tôi đang là tập trung vào tăng trải nghiệm người dùng. Những dự án đã và đang làm theo sát hành trình của người dùng (user’s journey) từ lúc đăng nhập vào app rồi tìm hiểu các dịch vụ trên app theo nhu cầu, tìm các deal, thông tin, nhận được thông báo,… Đó là những cái mà AI đang tích hợp vào với những ứng dụng thực tiễn. Thậm chí người dùng họ không hề biết là AI trong đó khi trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ. 

Phạm Kim Long: Công việc của tôi với AI tại MoMo tập trung cho các dự án mang tính dài hơi hơn và kết quả chắc sẽ phản ánh thêm trong vào năm tới nữa. Mảng lớn đầu tiên về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và áp dụng Công nghệ Học sâu (Deep Learning). MoMo đặt mục tiêu xây dựng Chatbot trong chăm sóc khách hàng có thể giao tiếp người dùng, trả lời những câu hỏi, tình huống đơn giản và sau đó phân loại những vấn đề phức tạp hơn. Song song đó, chúng tôi cũng đang phát triển Chatbot Framework hay Chatbot Platform cho đối tác và các nhà phát triển MiniApp trên nền tảng SuperApp của MoMo có thể tạo ra Chatbot của riêng họ trong thời gian ngắn nhất. Kỳ vọng từ nay đến cuối 2022 ra mắt Chatbot Platform này.

Mảng lớn thứ hai là thị giác máy tính (Computer Visualization). Trước đây, MoMo hợp tác với các đối tác phát triển hệ thống eKYC, hệ thống nhận diện và định danh khách hàng thông qua khuôn mặt và thông qua chứng minh nhân dân (CMND). Trong năm 2021 đặt mục tiêu tự phát triển công nghệ và đã có những kết quả khả quan về bài toán Nhận diện khuôn mặt (Face Matching hay Face Recognization), Nhận diện khuôn mặt từ Database và Trích xuất thông tin từ bản scan CMND. Trong tháng 2 tới, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hệ thống eKYC bằng chính công nghệ của MoMo phát triển và kỳ vọng sẽ mang đến trải nghiệm về định danh khách hàng mượt hơn trên MoMo. 

MoMo ứng dụng AI trong sản phẩm như thế nào?

Các thành viên hội đồng AI của MoMo
Ông Vũ Thành Công: Phó Tổng Giám Đốc – Phụ trách Sản phẩm và Trải nghiệm Khách hàng

Vũ Thành Công: Công tham gia MoMo từ 5 năm trước (năm 2017), thật ra thời đó mới lần đầu biết đến ví điện tử. 1 năm sau đó, anh Tường bảo phải xây team AI vì đây là xu hướng thế giới. Lúc đó MoMo còn rất bé về quy mô người dùng và dịch vụ, mọi người vẫn loay hoay với bài toán cơ bản, làm sao thanh toán với trải nghiệm tốt nhất. 

Lúc đó mình cũng không hiểu lắm, ở MoMo có bài toán gì có thể ứng dụng AI. Đọc lý thuyết nhiều nhưng cũng thấy xa vời thực tế. Tôi nghĩ là để có ứng dụng AI thực sự đi vào thực tiễn thì đầu tiên phải có nền tảng, ở đây số lượng người dùng, dịch vụ đủ lớn  với những bài toán phát sinh khác nhau. 

AI vì sao quan trọng? Trước khi tham gia MoMo, mình có tham gia viết tài liệu Training (Đào tạo) về Ngành cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư như cách mạng 4.0 là gì, xu hướng chung là chúng ta sẽ ngày càng giảm sự tham gia của lao động chân tay. Thay vì làm bằng tay thì làm trên chuỗi sản xuất. Tôi nghĩ AI cũng như thế. Đến thời điểm nhất định, bài toán là mình có đủ lớn giảm bớt sự tham gia của con người.

Nếu MoMo chỉ có vài chục dịch vụ thì không cần AI, nhưng MoMo có hàng trăm và sắp tới hàng nghìn dịch vụ trên ứng dụng thì bài toán thực tiễn là làm sao để giới thiệu được cho họ đúng dịch vụ họ cần. Lúc đó hàm lượng AI đi vào sản phẩm của mình sẽ sâu hơn, bài toán ứng dụng thực tiễn chứ không lý thuyết.

Cho nên câu chuyện quan trọng vẫn là nền tảng đủ lớn, bài toán đủ lớn, khi đó chúng ta sẽ cần có những use case ví dụ như giới thiệu bạn bè, chatbot bởi vì MoMo hiện tại số lượng khách hàng đã lớn. Việc áp dụng công nghệ hay AI không chỉ để giảm chi phí mà quan trọng là mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, là câu chuyện chăm sóc khách hàng thông minh hơn, dự đoán được những vấn đề họ gặp phải và giải quyết. 

Tất nhiên những gì chúng tôi chia sẻ ở đây không phải hàng tháng mà mất hàng năm. Những bài toán đã được định hình, và điều chúng ta nhìn thấy hiện nay là khi nhìn thấy vấn đề của khách hàng, chúng ta áp dụng AI để giải quyết vấn đề tốt hơn. 

Và tôi thấy là việc định nghĩa bài toán ứng dụng AI đem lại kết quả thực tiễn cho khách hàng thực sự quan trọng. Điều này kéo theo yêu cầu sự phối hợp AI với sản phẩm phải bền chặt. Việc xây dựng công nghệ phải được ứng dụng vào phát triển sản phẩm nhanh, thử nghiệm mô hình (testing model) để xem mô hình đúng hay sai, tối ưu mô hình nhất có thể. Quá trình đi từ lý thuyết đến mô hình và đưa vào sản phẩm phải tiến hành liên tục. Có nhiều mô hình MoMo phải xây suốt nhiều năm mới đủ tốt. Ở MoMo, chúng tôi xây dựng văn hóa làm thật, đi vào những bài toán cụ thể và phương pháp đưa AI vào phát triển sản phẩm. 

Cá nhân tôi thấy vui vì có anh em ở đây cùng làm và giải những bài toán thực tế của MoMo

Nếu đầu tư vào AI thì đâu là tốn kém nhất và đâu là khôn ngoan?

Đặng Hoàng Vũ: Đầu tư vào AI phải là đầu tư toàn diện. Đó là câu chuyện xây dựng từ hạ tầng, công nghệ, đặc biệt là con người. Ngoài câu chuyện đó, có hai thứ khác tôi muốn nhấn mạnh:

  • Thời gian: Một số nơi nghĩ họ đổ nhiều tiền vào có thể làm được nhưng không thể. Dù đội ngũ có tốt, công nghệ có cao cũng cần phải có thời gian. Giống như trồng cái cây, cần có thời gian lớn lên để ra quả.
  • Niềm tin: Niềm tin của ban lãnh đạo, các anh em dành cho nhau khi làm sản phẩm và hơn thế nữa là niềm tin người dùng cho công ty. Cuối cùng người dùng chỉ quan trọng trải nghiệm cuối cùng của họ như thế nào chứ không cần biết AI là gì. Để đạt được thành công như vậy là mồ hôi, nước mắt của rất nhiều anh chị em ở đây. Hy vọng không chỉ với người dùng, sản phẩm MoMo sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho mọi người.

Thái Trí Hùng: Tôi đồng ý với Vũ và nhấn mạnh thêm rằng đầu tư ở đây phải tính bằng năm. Trước khi ra đời AI Committee, lãnh đạo AI có anh Hồng Trung Dũng. Anh Dũng là người đã xây dựng nền móng Data/AI của MoMo (Chúng tôi rất tiếc khi anh nghỉ MoMo. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, anh hứa sẽ quay lại và MoMo vẫn đang đợi). Anh Dũng cũng là người dạy cho Hùng nên đầu tư vào AI như thế nào. Trong đó có một điều Hùng tâm đắc là, bắt đầu đầu tư vào AI là chuyện Dữ liệu. Người mình hay “chém”, toàn nói chuyện dữ liệu lớn. Nói thật là ở MoMo dữ liệu phải đúng trước đã. Dữ liệu lớn mà sai cũng vô nghĩa. Do đó chúng tôi đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc cho hạ tầng dữ liệu. Với hơn 30 triệu người dùng, mỗi ngày hệ thống MoMo phải xử lý dữ liệu 15-17 TB dữ liệu. Đó là câu chuyện mình phải đầu tư cho hệ thống, nền tảng dữ liệu. 

Thứ hai là việc đầu tư vào con người. Công nghệ nói chung cũng do con người làm. Không có con người sẽ không làm được.

Cuối cùng, thực ra như trách nhiệm cá nhân mình với Ban lãnh đạo, việc quản lý kỳ vọng cũng rất quan trọng. Mình sợ suy nghĩ: Đưa AI vào, MoMo sẽ từ 2 tỷ USD lên thành 50 tỷ USD. AI với tôi nhưng những công nghệ khác, mình sẽ cải tiến dần dần. Để MoMo đến ngày hôm nay không có bí kíp gì cả mà chỉ là chuyện của công nghệ nhỏ mà chúng tôi hàng ngày vừa làm vừa cải thiện. Và AI cũng vậy. Cái khó của mình là việc đầu tư có thể tốn kém nhưng hiệu quả đến rất chậm. Mình phải thuyết phục mọi người đừng kỳ vọng quá, đừng bay bổng quá, mình cứ đặt chân trên mặt đất và đi từng bước. 

MoMo đã đầu tư cho AI như thế nào và kết quả có tương xứng?

Thái Trí Hùng: Nếu xác định MoMo là công nghệ công ty, giá trị là công nghệ thì việc đầu tư phải tập trung vào công nghệ. Ở MoMo, chi phí đầu tư cho công nghệ chiếm khoảng 30-35% tổng đầu tư của toàn công ty trong đó chi phí đầu tư cho AI chiếm khoảng 20-25% chi phí đầu tư cho công nghệ. Về con số chúng tôi không muốn tiết lộ nhưng có thể nói là rất lớn. 

Trong 5-10 năm tới vai trò AI tại MoMo như thế nào?

Thái Trí Hùng: Cách đây vài năm, lúc anh Vũ Thành Công ngồi viết báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi đó người Nhật đã có khái niệm xã hội 5.0 mà AI sẽ len lỏi vào cuộc sống của mọi người từ việc thức dậy, ăn sáng, đi làm, lên tàu điện…, hay khi bạn mở tủ lạnh AI có thể khuyên bạn nên ăn gì. Cách làm AI của MoMo cũng là như vậy, là chuyện đưa AI len lỏi vào từng điểm chạm (touchpoint) trong việc tiếp cận và giao tiếp với người dùng. Tôi nghĩ là mọi người ở đây đều rất thực tiễn và không nghĩ AI thống trị hay tạo ra gì đó fancy (hơi bay bổng). Cái mình muốn tạo ra là sự dễ dàng. AI tốt là AI mà mọi người không nhận ra đó là AI. 

AI hay công nghệ nào sẽ chủ đạo và dẫn dắt tương lai trong 5-10 năm tới?

Trịnh Xuân Tuân: AI trong 5-10 năm tới sẽ là câu chuyện bình dân hóa. AI sẽ len lỏi nhiều ngành, ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Một xu hướng nữa là sự hội tụ công nghệ, AI sẽ kết hợp với IoT hay Blockchain vừa tạo sự tiện lợi và bảo mật. 

Đặng Hoàng Vũ: Tôi thử so sánh thế này: Tầm tuổi tôi khoảng 20-25 năm trước, việc học Tiếng Anh là chuyện to tát, nhưng đến giờ việc học Tiếng Anh rất bình thường. Đó không còn là chuyện to tát nữa mà là thứ cần thiết để hỗ trợ cho công việc, cuộc sống. Tôi kỳ vọng AI cũng sẽ đứng trước ngưỡng cửa như vậy. Nếu dự báo công nghệ to tát tôi nghĩ đó chuyện năng lượng, vật liệu,…

Trần Thị Lạc Thanh: AI sẽ ứng dụng nhiều hơn, hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống. Xu hướng AI sẽ tích hợp cùng nhiều công nghệ khác, nhiều ngành nghề như là nhà thông minh, xe tự lái, nông nghiệp,… Việc áp dụng AI quá trình vận hành doanh nghiệp sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Phạm Kim Long: Theo góc độ ngắn hạn trong hoạt động của MoMo, tôi cho rằng AI phải đóng góp nhiều trong việc đưa ra trải nghiệm người dùng tự nhiên, thân thiện. Ngoài ra là ứng dụng nhiều hơn trong việc xây dựng hệ thống thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt và trợ lý ảo có thể giao tiếp với người dùng bằng giọng nói. 

Anh/chị có lời khuyên nào cho doanh nghiệp khi đầu tư vào AI?

Trần Thị Lạc Thanh: Tôi nghĩ không có công thức chung bởi còn tùy giai đoạn phát triển doanh nghiệp ở đâu, và doanh nghiệp tự đánh giá mình ở đâu. Ví dụ mình chưa có dữ liệu thì phải có dữ liệu trước. Cần có nền tảng trước thì mới nghĩ áp dụng AI, Machine Learning để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng nhanh hơn.

Nội dung buổi chia sẻ 'Nói thực về AI' của MoMo

Trịnh Xuân Tuân: Trong 5 năm qua khi làm việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tôi thấy có hai vấn đề:

  • Một là, chất lượng Data. Doanh nghiệp nào cũng bảo có Data nhưng đến lúc nhìn vào thì thấy Data cần cho mô hình kinh doanh thì không có mà Data rác thì nhiều. 
  • Hai là, hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng lớn với AI nhưng đến khi áp dụng không thành công thì bảo AI là chỉ là chém gió, thổi phòng. Câu chuyện ở đây chính là sự kiên trì. Ở những phiên bản áp dụng đầu tiên phần lớn chỉ là thử nghiệm, để dò đường, hiểu khách hàng sau đó mới ứng dụng thực để giải quyết bài toàn cho khách hàng. Do đó cần thời gian và nguồn lực, sự phối hợp của các phòng ban khác nhau. Khi hiểu người ứng dụng AI sẽ mang lại kết quả rõ rệt. 

Vấn đề mọi người quan tâm là bảo mật, khi ứng dụng AI thì vấn đề bảo mật như thế nào?

Đặng Hoàng Vũ: Bảo mật là vấn đề rất quan trọng. Cuối cùng MoMo làm AI hay làm sản phẩm là vì điều gì, đó là phục vụ và mang lại lợi ích cho người dùng và đối tác nhưng người dùng vẫn là số 1. Về việc bảo mật cho người của MoMo, có hai câu chuyện:

  • Phân hoạch dữ liệu: Những loại nào, trách nhiệm chúng ta là như thế nào
  • Ở mức độ quan trọng nhất: Dữ liệu quan đến nhân thân, thông tin tài chính là tuyệt đối bảo mật. 
  • Dữ liệu không liên quan nhân thân và tài chính như hành vi lên app bao lâu, xem quảng cáo gì, click vào đâu, chúng tôi có thể khai thác với mục đích tăng trải nghiệm người dùng. 
  • Dữ liệu thống kê: Đây là nhóm ít nhạy cảm nhất, dữ liệu thiên về thống kê và có thể khai thác ở quy mô lớn
  • Quy trình và trách nhiệm công ty về dữ liệu: Phân chia chính sách khai thác, thực thi và chế tài
  • Chính sách dữ liệu phải là ban lãnh đạo thông qua
  • Cung cấp, khai thác dữ liệu là chuyện của các đội sản phẩm, công nghệ
  • Đảm bảo thực thị chính sách và chế tài, đảm bảo quy trình bảo mật: Chúng tôi có bộ phận chuyên trách để đảm bảo không có sự mâu thuẫn lợi ích.
Nội dung buổi chia sẻ 'Nói thực về AI' của MoMo

Thái Trí Hùng: MoMo hoạt động dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà Nước, phải tuân thủ tiêu chuẩn dữ liệu, bảo mật của Nhà Nước. MoMo có nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Châu Âu, Nhật nên mình phải tuân thủ tiêu chuẩn về Data Privacy của họ. MoMo cũng làm việc với các đối tác toàn cầu như Apple, Google, Facebook. Họ ý thức và yêu cầu rõ về quy trình bảo vệ dữ liệu. Chắc chắn từ dữ liệu bạn sẽ không thể biết họ là ai, đảm bảo câu chuyện nhân thân. 

Ngoài ra ở MoMo, hằng năm MoMo phải tiếp các đoàn kiểm tra của NHNN và đối tác để xem MoMo mã hóa, bảo mật dữ liệu như thế nào.

(Ông Nguyễn Bá Diệp bổ sung:) Hiện nay MoMo là đối tác của 32 ngân hàng, khoảng hơn 50 công ty tài chính bảo hiểm. Làm việc với họ, chúng tôi phải tuân thủ tất cả quy định về bảo mật thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính chúng tôi rất thận trọng. 

Liên quan đến cầu hiền trong lĩnh vực AI của MoMo, tôi được biết MoMo sẽ tuyển thêm vài trăm kỹ sư liên quan đến lĩnh vực AI, anh chị có thể chia sẻ những yêu cầu liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự của mình là như thế nào không?

Thái Trí Hùng: Nhu cầu của chúng tôi rất nhiều. Chia sẻ thật với các bạn là có 1 lúc tỷ lệ giữ chân nhân sự ở MoMo là 40%, tức là tuyển 10 người thì chỉ giữ được 4 người. Vì thế, chúng tôi mới ngồi nhìn lại là tại sao. Thật ra ở MoMo có rất nhiều đặc thù như cường độ công việc cao, áp lực lớn, thêm cả độ phức tạp của các dự án cũng như phối hợp giữa các team. 

Thế thì đặc thù nào giữ mọi người ở lại? Ngoài chuyện kỹ năng ra, câu chuyện còn thuộc về cá nhân của mỗi người. MoMo theo đuổi một sứ mệnh đó là giúp cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn, nếu những bạn nào thực sự tin vào sứ mệnh đó thì sẽ gắn bó được. Tất nhiên mọi người ai cũng như ai, mọi người đi làm vì “cơm áo gạo tiền” thì dù chỗ này hay chỗ kia cũng như vậy thôi. Nhưng nếu mọi người mong muốn góp phần tạo ra ảnh hưởng cho xã hội thì MoMo là nơi tạo ra những cơ hội đó. Và một điều có thật là những bạn có cùng đam mê với sứ mệnh đó thì gắn bó rất lâu ở MoMo.

Một điểm nữa tôi muốn chia sẻ thêm là các bạn trẻ thường thích học hỏi cái mới và được trải nghiệm nhiều thử thách, tôi cũng hứa luôn là ở MoMo những điều này không bao giờ thiếu, có rất nhiều cái mới và rất nhiều những thử thách. Tất nhiên là đối với các bạn không chấp nhận công việc “leo núi” này thì các bạn không thể trụ được lâu. 

Phạm Kim Long: Câu chuyện tuyển dụng là chủ đề rất rộng, nên mình muốn kể một câu chuyện nhỏ hơn mà khá thành công trong đội ngũ làm AI ở MoMo. Đó là câu chuyện về chị Tăng Thị Hà Yên, hiện nay chị Yên cũng đang có mặt tại buổi chia sẻ này. 

Chị Hà Yên hiện tại đang làm quản lý của nhóm Machine Learning, đang quản lý trên 20 kỹ sư làm về mảng này. Câu chuyện của chị Hà Yên cũng rất là đặc biệt, chị có background trước khi gia nhập MoMo là về chuyên ngành toán tin, sau đó chị có bằng master về toán tại đại học California, và tiếp theo chị làm tiến sĩ Toán tối ưu tại đại học Berkely Mỹ. Khi ứng tuyển vào MoMo, chị Yên được phỏng vấn bởi các lãnh đạo cao cấp nhất của MoMo như anh Nguyễn Mạnh Tường, anh Vũ Thành Công và anh Hồng Trung Dũng. Các anh cũng biết khi ấy kinh nghiệm của chị Yên trong 1 công ty công nghệ như MoMo gần như là chưa có, nhưng các anh đều nhìn thấy tiềm năng và nền tảng toán học của chị Yên rất là tốt và nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các bài toán về fintech của MoMo. 

Nội dung buổi chia sẻ 'Nói thực về AI' của MoMo

Với đam mê trong lĩnh vực của chị Yên, các anh đã sẵn sàng thử và trao cơ hội cho chị được thử những công việc khác nhau, cuối cùng chị chọn mảng scoring – chấm điểm tín dụng. Khi vào MoMo, chị cũng kể lại rằng chị chưa làm quen kịp, mọi thứ cũng khá sơ khai, kỹ năng làm việc về dữ liệu cũng chưa nhiều lắm. Trong 6 tháng đầu thì chỉ học chứ chưa thể làm gì nhiều cho công ty, nhưng với kỹ năng của chị thì sau tầm hơn 1 năm chị đã có thành công nhất định. Tính đến thời điểm này thì có lẽ đó là sản phẩm thành công nhất về AI của MoMo – chấm điểm tín dụng. Trong đội ngũ, mọi người cũng đánh giá rất cao về năng lực của chị Yên. 

Qua câu chuyện đơn giản này thôi, tôi chỉ muốn nói đến một điều rằng, quan điểm tuyển người của MoMo là chúng tôi sẵn sàng tạo ra môi trường và thử thách cho những người ở đây, dù có thể những quyết định đấy là sai nhưng mình vẫn luôn mong muốn tạo môi trường phù hợp nhất để giúp mọi người thành công khi ở MoMo.

Theo anh Tuân thì những yếu tố nào của MoMo có thể giúp cho nhân viên thành công?

Trịnh Xuân Tuân: Thực ra câu hỏi này rất khó, nhưng tôi thấy có yếu tố ở MoMo có thể giúp các bạn trẻ thành công đó là làm quyết liệt, làm đến cùng. 

Khi triển khai một dự án, các phiên bản đầu tiên thường là các phiên bản thử nghiệm, dò bài toán, dò hành vi người dùng để hiểu người dùng hơn. Trong quá trình đó, đòi hỏi bạn phải làm đến tận cùng của vấn đề, khi làm đến tận cùng vấn đề thì sẽ học hỏi được rất nhiều, kể cả những người trình độ cao cũng đều cảm thấy được học hỏi hơn. Tại MoMo, tôi đều thấy mỗi bài toán đem lại những góc nhìn riêng, vì sự đa dạng của dữ liệu và của hành vi người dùng sẽ giúp mỗi người làm sản phẩm nhận thấy hành vi người dùng luôn biến đổi theo thời gian. Câu chuyện ở đây là phải làm kiên trì và làm đến tận cùng. 

Môi trường và văn hóa của MoMo ở đây cũng vậy, thôi thúc mọi người phải làm đến tận cùng của vấn đề. Thông qua cách làm đến tận cùng đó các bạn sẽ có được trải nghiệm, được học hỏi từ các góc nhìn khác nhau. Tôi hy vọng đó là yếu tố không chỉ giúp các bạn trẻ học hỏi nhanh hơn mà ngay cả những người senior như tôi vẫn luôn được học hỏi cái mới, đó là chất xúc tác và động lực để các bạn ứng dụng công nghệ vào thực tế nhiều hơn.

Ở MoMo không chỉ mời nhân tài mà còn có tuyển dụng những bạn sinh viên mới ra trường hay sắp ra trường. Nếu phải đưa ra lời khuyên cho một bạn sinh viên mới ra trường muốn vào làm MoMo, anh Hùng sẽ nói thế nào?

Nội dung buổi chia sẻ 'Nói thực về AI' của MoMo

Thái Trí Hùng: Nói thật thì tỉ lệ thành công khi phỏng vấn tại MoMo của các bạn sv mới ra trường không cao lắm. Tuy nhiên với việc tuyển các bạn sinh viên mới, MoMo cũng có một chương trình khá nổi tiếng là MoMo Talents (gồm các vòng thi tuyển, phỏng vấn, làm dự án). Một năm chúng tôi tuyển khoảng 50-60 bạn cho mảng công nghệ và cũng cần số lượng chừng đó cho mảng sản phẩm (Product). Đây là cơ hội để các bạn sinh viên từ năm 3 và năm 4 hay mới tốt nghiệp gia nhập MoMo. 

Quyền lợi của các bạn khi vào làm ở đây đó là được thực tập có lương, được học rất nhiều thứ thông qua các công việc thực tế ở MoMo. Tôi cũng rất tự hào vì thông qua chương trình này, đã có rất nhiều bạn chỉ sau khoảng 2 năm từ lúc mới tốt nghiệp ra trường đã trở thành quản lý và nắm khoảng 20-30 “quân” ở phía dưới, khá thành công. Lời khuyên cho mọi người nếu có ý định và mong muốn làm ở MoMo thì mọi người có thể đi theo cánh cổng MoMo Talents, còn nói thật là ở MoMo phỏng vấn khó lắm (cười).

Vậy với các bạn chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học, trong bối cảnh cuộc sống ngày càng số hóa, liệu các bạn trẻ có nên theo ngành công nghệ hay học AI không?

Đặng Hoàng Vũ: Nếu mà có lời khuyên cho các bạn sinh viên với vai trò là giảng viên, tôi sẽ nói trách nhiệm của thầy là làm cho các bạn phải giỏi. Còn nếu để khuyên cho các bạn, tôi sẽ khuyên hãy học những gì bạn thích và bạn giỏi. Nếu cái giỏi, cái thích của bạn nó tình cờ trùng với công nghệ hay AI thì rất tốt vì bạn sẽ có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của nó. Nếu các bạn chọn nghề khác như thiết kế đồ họa hay bất kỳ ngành nào khác, rồi công nghệ và AI cũng tự tìm đến bạn và thay đổi công việc của bạn.

Phạm Kim Long: Tôi chỉ xin trả lời liên quan lĩnh vực CNTT, các bạn trẻ đa số đứng trước lựa chọn rất lớn là nên chọn ngành nào và ngành nào đang là xu hướng để khả năng ra trường có công việc tốt. Theo tôi, các bạn trẻ không nhất thiết phải đi theo xu hướng (trend) mà học theo những gì mình thích và khả năng của mình, như vậy khả năng thành công sẽ cao hơn. Tất nhiên theo xu hướng cũng được thôi, nhưng xu hướng thì sẽ thay đổi rất nhanh, nhất là lĩnh vực AI hay CNTT, vậy nên các bạn cứ làm những điều mình thích thì sẽ thành công.

Thái Trí Hùng: Theo tôi quan sát thì trong công nghệ nói chung và cả MoMo nói riêng có những chuyện rất kỳ lạ, có bạn học những ngành mà người miền Nam hay dùng từ “trớt quớt”, nhưng vẫn vào đây làm bình thường, thậm chí là rất giỏi. Tôi muốn kể câu chuyện ngày trước, có một bạn học ngành mỏ địa chất nhưng thích làm lập trình và đăng ký vào chương trình MoMo Talent, giờ bạn đang nắm một vai trò rất quan trọng đó là người kết nối với hầu như toàn bộ các khách hàng tại Việt Nam của MoMo. Chia sẻ chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng quan trọng là sở thích và tính chất cá nhân của bạn hơn là bạn học cái gì. 

Con tôi năm nay lên lớp 9 và bữa giờ tôi đang tư vấn cho con đi du học, tôi cũng về thuyết phục con dữ lắm nhưng không thích. Tôi nghĩ là trách nhiệm của người làm cha mẹ hay người đi trước, điều đầu tiên là nên tôn trọng các ý định của bạn trẻ, vì nếu mình ép các bạn đi theo con đường mà các bạn không thích thì cuối cùng cũng đổ sông thôi. 

Còn với những ngành công nghệ thì thay đổi rất nhanh, chúng ta không biết trước được gì cả, nên tốt nhất là làm việc mà bạn cảm thấy yêu thích và hạnh phúc. Bạn hạnh phúc thì những người xung quanh cũng sẽ hạnh phúc thôi, bằng cách này hay cách khác.

Trước khi làm cho MoMo thì anh Hùng đã từng làm giảng viên, vậy việc đào tạo cho nhân viên MoMo về AI như thế nào, mời anh chia sẻ thêm?

Thái Trí Hùng: Thật ra điều này là nỗi đau của MoMo, tại vì nhu cầu tuyển dụng của MoMo lớn quá. Như mọi người đã biết, chúng tôi có khoảng hơn 200 – 300 tính năng và sản phẩm trên app MoMo. Ở những chỗ khác thì các bạn làm xong là xong, còn ở MoMo thì làm xong một dự án phải duy trì thêm đến 5 năm, mỗi cái như vậy của MoMo tốn khoảng 5-7 người, thậm chí có những dự án lớn thì cần 20-30 người, các dự án siêu lớn như Lắc Xì thì cần vài trăm người. Nên là chúng tôi luôn tuyển không đủ, dẫn đến chuyện khá là ngược với phương Tây thì chúng tôi phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống.

Nội dung buổi chia sẻ 'Nói thực về AI' của MoMo

Do đó, MoMo phải bù vào bằng các chương trình nội bộ. MoMo có các hệ thống chương trình nội bộ mà trong đó mọi người phải học và làm. Bản thân các quản lý phải nắm được các bạn học những gì, các kỹ năng đó đã đạt được tiêu chuẩn của MoMo hay chưa. Tiếp theo, hệ thống của MoMo còn phải có các quy định, ví dụ như để lên được mức Trưởng nhóm thì bạn phải “văn võ song toàn”, tức là bạn phải vừa phải hiểu về Backend và phải có kiến thức về Front-End. Năm sau, có lẽ để giúp các bạn thành công hơn thì MoMo phải yêu cầu các bạn học thêm về vài lớp AI nữa, để các bạn có mindset về dữ liệu. 

Câu chuyện thứ 2 tôi muốn kể: Giống như anh Nguyễn Bá Diệp nói, đó là không thể “hớt váng” mãi được, không thể cứ kéo người tài về mãi được mà phải đi sâu hơn với các trường. 

Tôi cũng chia sẻ thật là ngày xưa tôi xuất thân là giảng viên, có thời gian đi dạy và có mối quan hệ tốt với các trường đại học, nhưng có lẽ cách chúng tôi làm vẫn chưa thực sự phù hợp. MoMo cũng hợp tác cùng nhiều trường thông qua các buổi diễn thuyết và tài trợ, nhưng rõ ràng 2 bên chưa có sự đồng hành xuyên suốt để đảm bảo quyền lợi của trường cũng như lợi ích của MoMo.

Năm nay chúng tôi cũng thành lập một bộ phận chuyên trách để phối hợp cùng các trường, chúng tôi đã bắt đầu với 2 trường đại học là RMIT và Fulbright. Chương trình này chuyên về công nghệ và sản phẩm tại vì đội ProTech (Product và Tech) luôn trong tình trạng thiếu người. Vậy nên, MoMo sẽ có những bộ phận chuyên trách để làm việc với các trường Đại Học thông qua các chương trình dành cho sinh viên, mời các anh chuyên gia ở đây đến để chia sẻ, giảng dạy và tạo cảm hứng cho các bạn trẻ. Nếu các bạn về MoMo thì tốt rồi, còn nếu các bạn không về MoMo thì tôi hy vọng các bạn cũng có thể đóng góp một chút gì đó vào nền công nghệ của Việt Nam.

Nhiều người hay hỏi MoMo chỉ làm công nghệ thôi, tại sao phải tuyển nhiều người thế. Nhờ anh Hùng chia sẻ về dự báo nhân sự trong tương lai và tại sao anh lại cần nhiều người vậy, để làm gì?

Thái Trí Hùng: Kết thúc năm 2021, MoMo có khoảng 600 nhân sự công nghệ. Về kế hoạch 2022, chúng tôi hy vọng kết thúc năm ở tầm 1.000 người. Lý do cần nhiều người như vậy là vì MoMo khi người ngoài nhìn vào thì chỉ là một cái app, nhưng ở trong nhìn ra, đối với chúng tôi là nó tất cả cuộc sống hàng ngày của mỗi người dùng, từng những việc nhỏ nhặt nhất. Cuộc sống của con người ở bên ngoài có cái gì thì bên trong app MoMo đều có, cả những game vui vẻ hay các hoạt động thiện nguyên. Chúng tôi luôn cố gắng để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dùng. Rõ ràng ai cũng thấy cuộc sống là vô tận và nhu cầu của con người cũng vậy, cho nên việc xây dựng những sản phẩm của MoMo cũng là vô tận. 

Cũng xin chia sẻ thêm là MoMo đang tuyển rất nhiều người cho mảng công nghệ và sản phẩm. Kế hoạch qua Tết, chúng tôi sẽ xây dựng thêm một trung tâm công nghệ ở Đà Nẵng với mục tiêu khoảng 50 – 60 người, bên cạnh các trung tâm hiện tại ở TP.HCM với quy mô khoảng 500 người và Hà Nội khoảng 100 người. Với kỳ vọng mở rộng thị phần của MoMo từ thành phố lớn đi đến mọi vùng miền, rất mong mọi người có thể cùng lan tỏa để các anh tài khắp nơi biết được thông tin.

Góc quảng cáo