Mục lục bài viết
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang dần chuyển mình để trở lại với cuộc sống ‘bình thường mới’, các báo cáo cho thấy đã có gần 90% các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu tác động nặng nề từ đợt đại dịch trong những tháng vừa qua; từ sự trì trệ chuỗi cung ứng, đến những gián đoạn trong kinh doanh sản xuất do lệnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt trên khắp cả nước.
Điển hình của sự “sinh tồn” và thích nghi trong “bình thường mới”
Những doanh nghiệp công nghệ cao không phải là ngoại lệ khi những yếu tố như thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu, đóng cửa biên giới, và thiếu hụt lao động là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự đóng băng trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp với các bước đi đúng đắn, cùng sự hỗ trợ từ các đối tác logistics, đã vượt qua những trở ngại trên để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững.
Đơn cử là Spartronics – một công ty công nghệ cao của Mỹ với nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương. Những mặt hàng do Spartronics sản xuất khá đa dạng, từ các bo mạch điều khiển máy bay và các sản phẩm kiểm soát thông số chuyến bay cho 2 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, cho đến các thiết bị y tế phức tạp như máy chẩn đoán ung thư và linh kiện cho các thiết bị này. Spartronics là đơn vị đã sản xuất và cung cấp các bộ phận cấu thành cho các thiết bị test nhanh Covid-19 có thể tái sử dụng trong đợt bùng phát dịch vừa rồi tại Mỹ.
Bí quyết để duy trì hoạt động kinh doanh và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Spartronics luôn chú trọng đến chính sách chất lượng và cam kết mang đến giá trị thông qua việc cung cấp sản phẩm có chất lượng đáp ứng hoặc vượt trội yêu cầu của khách hàng. Spartronics thực hiện cam kết này thông qua việc triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng, lấy kiểm soát quá trình làm trung tâm để liên tục cải tiến mọi hoạt động. Do đó, đối với một doanh nghiệp công nghệ cao chuyên sản xuất các sản phẩm quyết định đến sự an toàn của con người như Spartronics, thì việc tìm nguồn hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác nhau trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng dường như là không thể.
Lý giải cho điều này, ông Lê Anh Thủy – Giám đốc Tài chính của Spartronics tại Việt Nam cho biết “các bộ phận và linh kiện cấu thành sản phẩm của Spartronics đều được cung cấp bởi những đơn vị đạt tiêu chuẩn được phê duyệt từ trước nhằm đảm bảo yếu tố chất lượng và an toàn”. Tuy vậy, ông Thủy vẫn đồng tình rằng việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp khác nhau là một trong những phương pháp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác có thể chủ động giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung ứng, từ đó khắc phục sự trì trệ trong khâu vận chuyển cũng như duy trị hoạt động kinh doanh sản xuất ổn định hơn.
Ngoài ra, ông Thủy cũng chia sẻ rằng doanh nghiệp nên kiểm soát quá trình vận chuyển của mình một cách toàn diện hơn, cụ thể là nắm được vị trí của các kiện hàng và thời gian đến dự kiến để có thể chủ động hơn trong việc giao nhận hàng, sắp xếp kế hoạch, giảm bớt tắt nghẽn trong chuỗi cung ứng để tạo điều kiện tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Do đó, một trong những chiến lược dài hạn của Spartronics là ứng dụng công nghệ nhằm phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng qua việc đồng bộ những dữ liệu và tình trạng vận chuyển của kiện hàng từ hệ thống của UPS – đối tác logistics chủ lực của Spartronics, với hệ thống ERP của mình. Điều này sẽ cho phép Spartronics nắm rõ được địa điểm và thời gian đến dự kiến của các lô hàng, từ đó trở nên chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của Spartronics trong việc lựa chọn đối tác logistics chính là yếu tố ‘an toàn’, nói cách khác là những bước xử lý đặc biệt mà những sản phẩm của Spartronics yêu cầu trong quá trình đóng gói và vận chuyển. Những yếu tố nhỏ nhất như nhiệt độ, độ ẩm, hay lực tác động từ va đập trong quá trình vận chuyển đều có thể gây ảnh hưởng, thậm chí là làm hỏng các sản phẩm. Với những sản phẩm như bo mạch điều khiển máy bay và thiết bị y tế, thì việc bị lỗi và hư hỏng trong quá trình sử dụng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho con người.
Những yếu tố khác như thời gian và chi phí vận chuyển cũng là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và khách hàng của mình. Ông Thủy cho hay, đại dịch không chỉ là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian vận chuyển, mà còn khiến giá dịch vụ vận chuyển tăng xấp xỉ gấp hai lần so với mức trước dịch. Trước kia, hàng hải là phương thức vận chuyển chính mà Spartronics và khách hàng của mình sử dụng vì chi phí thấp. Tuy nhiên, trong thời điểm tắc nghẽn cảng biển toàn cầu như hiện nay, thì vận tải hàng không là hình thức vận chuyển thay thế tối ưu nhất mà Spartronics có thể tận dụng từ UPS để đảm bảo được yêu cầu về mặt thời gian cho các khách hàng của mình mặc dù chi phí cao hơn so với vận tải biển.
Hiểu rõ được việc doanh nghiệp cần tận dụng những lợi ích từ các Hiệp định Thương mại Tự do như EVFTA và RCEP để tạo ra một chuỗi cung ứng chặt chẽ và khu vực hóa hơn, đồng thời nhằm khai thác tối ưu những chính sách ưu đãi về thuế và các khoản phí mà chính phủ đã ban hành gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, Spartronics dự định sẽ tăng số sản phẩm xuất đi lên đến bốn container mỗi ngày sau khi chuyển nhà máy về địa điểm mới tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ông Thủy tin rằng với cương vị là một đối tác dài hạn và là doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về dịch vụ logistics, UPS sẽ cung cấp nhiều giải pháp logistics hiệu quả hơn nữa cho Spartronics và khách hàng của mình.
Sự hỗ trợ từ đối tác logistics
Là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành logistics toàn cầu, ngoài việc luôn theo dõi những rủi ro và cơ hội tiềm ẩn để có những bước đi tiên phong, UPS vẫn không ngừng cải tiến và phát triển dịch vụ vận chuyển của mình để đảm bảo rằng các doanh nghiệp như Spartronics không chỉ có thể duy trì, mà còn xây dựng được một chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh vững chắc.
Điển hình là những chuyến bay mang biểu tượng ‘Browntail’ (đuôi nâu) của UPS được đưa vào khai thác từ cuối năm 2020, đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong mảng bán lẻ và công nghệ cao có thể nhận những kiện hàng ‘gấp’ từ các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước Đông Nam Á chỉ trong một ngày. Thời gian nhận hàng cũng rút ngắn chỉ còn hai ngày đối với những kiện hàng từ Úc và các thị trường trọng điểm của châu Âu.
Nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có được sự kiểm soát toàn diện hơn trong quy trình vận chuyển, hệ thống UPS Quantum View Manage cho phép các doanh nghiệp và khách hàng của mình quản lý thời gian, địa điểm, người nhận thông tin của các lô hàng, và thậm chí là kích hoạt chức năng tự động lập hóa đơn hay báo cáo hải quan. Đây cũng chính là hệ thống mà Spartronics đang sử dụng để kiểm soát quá trình vận chuyển các lô hàng của mình.
Gần đây, UPS cũng vừa cho ra mắt nền tảng UPS My Choice dành cho Doanh Nghiệp tại Việt Nam. Bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến, nền tảng điện tử này cho phép doanh nghiệp quyết định cách thức, địa điểm và thời gian nhận hàng phù hợp với thời gian của mình. Ngoài việc nhận được thông báo về thời gian đến dự kiến và tiến trình giao hàng, người nhận có thể thay đổi địa chỉ giao hàng hoặc yêu cầu giữ hàng tại kho của UPS.
Dù Covid-19 vẫn còn là mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, nhưng mô hình hoạt động thành công như Spartronics đã minh chứng rằng khó khăn và thử thách trong việc phát triển hoạt động kinh doanh cũng như duy trì chuỗi cung ứng do đại dịch không phải là vấn đề nếu các doanh nghiệp đã thích nghi với ‘bình thường mới’ và bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh bền vững bằng cách: mở rộng nguồn cung ứng, ứng dụng công nghệ hay nói cách khác là số hóa quy trình kinh doanh của mình, đa dạng hóa các phương thức vận chuyển, và sau cùng là biết tận dụng lợi ích từ các Hiệp định Thương mại Tự do. Hơn nữa, các doanh nghiệp có thể khai thác triệt để những nguồn hỗ trợ từ chính phủ cũng như các đối tác logistics như UPS để phát triển hết tiềm năng thương mại của mình trên phương diện toàn cầu. Về phía của mình, UPS luôn trong tâm thế sẵn sàng để song hành cùng chính phủ Việt Nam và các đơn vị tư nhân nhằm đưa hạ tầng thương mại và chuỗi cung ứng Việt Nam lên một tầm cao mới.