Nhà thông minh từ lâu đã không còn là công nghệ quá mới mẻ hoặc gây nhiều sự ngạc nhiên. Ngày nay, các thiết bị gia dụng hoặc công tắc thông minh không còn là ý tưởng khoa học viễn tưởng, mà đang nhanh chóng trở thành hiện thực. Ví dụ, báo cáo từ Berg Insight cho thấy vào năm 2020, ở châu Âu và Bắc Mỹ đã có 102,6 triệu ngôi nhà thông minh.
Ngôi nhà thông minh đang dần biến đổi từ một tập hợp các thiết bị đơn lẻ và riêng biệt, thành các hệ thống thông minh hoàn chỉnh, có thể pha cà phê đúng giờ, điều chỉnh nhiệt độ và giám sát an ninh cho ngôi nhà của bạn khi bạn đi vắng. Động lực chính dẫn đến xu hướng này chính là việc ngày càng nhiều thiết bị được số hóa. Kaspersky đã lập ra một danh sách những tính năng hàng đầu mà ngôi nhà thông minh hiện đại cần cung cấp để có thể trở thành một “người bảo vệ” hoặc “trợ lý cá nhân” hữu ích.
Sự an toàn
Công nghệ nhà thông minh có thể cải thiện đáng kể sự an toàn cho ngôi nhà của bạn. Chúng ta không chỉ nói tới chức năng báo động mà camera hiện đại, cảm biến chuyển động và cả khóa cửa thông minh sẽ biến ngôi nhà của bạn thành một pháo đài thực sự, và ngay lập tức gửi tin nhắn đến điện thoại thông minh của bạn nếu có điều gì đó xảy ra.
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là việc lắp đặt hệ thống video giám sát gia đình được kết nối internet. Những chiếc camera hoạt động 24/7 này cho phép chủ nhà thấy được mọi việc xảy ra ở mọi ngóc ngách trong nhà thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Những chiếc camera này còn có thể được trang bị cảm biến chuyển động: nếu phát hiện trong nhà có chuyển động (có thể là mèo, chó hoặc kẻ xâm nhập), camera sẽ ghi lại tệp hình ảnh và gửi đến máy chủ. Sau đó, thiết bị của bạn sẽ nhận được thông báo, giúp bạn có thể phản ứng nhanh nhất có thể hoặc hành động để ngăn chặn đột nhập.
Ngôi nhà thông minh cũng có thể làm mới các loại khóa cửa. Không cho kẻ xấu qua được cửa là cách đơn giản nhất để đảm bảo an toàn tốt nhất cho ngôi nhà. Các ổ khóa hiện đại không còn đơn thuần là một thiết bị cơ khí thực hiện chức năng ngăn chặn kẻ xâm nhập. Ổ khóa còn có thể gửi tin nhắn cho bạn khi có người ra vào nhà hoặc tạo mã số mở khóa cho bạn hoặc người giúp việc (bảo mẫu, quản gia, người làm vườn, v.v…).
Tất cả những giải pháp này có thể mang lại cho bạn một ngôi nhà công nghệ cao, nhưng chính những hệ thống phòng thủ thông minh cũng cần được bảo vệ. Để trang bị lá chắn vững chắc cho “người bảo vệ”, nhiều giải pháp đã được tạo ra để không chỉ các thiết bị riêng lẻ mà cả hệ sinh thái IoT có thể an toàn trước các cuộc tấn công.
Sự yên tâm
Trong một ngôi nhà có vô số việc lớn nhỏ khiến bạn lo lắng như bàn ủi (bàn là) đã tắt chưa hay cửa đã đóng chưa? Ai sẽ tưới hoa khi mình đi du lịch? Chỉ một lo lắng nhỏ là đủ để phá hỏng một buổi tối vui chơi với bạn bè hoặc một kỳ nghỉ ngắn ngày với người thân.
Các thiết bị thông minh có thể giúp bạn yên tâm trong những tình huống tương tự. Ví dụ, thiết bị thông minh phát hiện rò nước sẽ phản ứng khi tiếp xúc với nước, có thể giúp bạn bình tĩnh xử lý. Cảm biến có thể được lắp đặt bên cạnh lò sưởi, đường ống trong phòng tắm và trong bếp. Các thiết bị này không chỉ có khả năng theo dõi mực nước mà còn xác định độ ẩm trong phòng: nếu bất ngờ bị ngập nước trên tầng trên, bạn sẽ biết ngay lập tức, ngay cả khi bạn không ở nhà.
Tương tự, thiết bị báo khói thông minh cũng có thể cảnh báo nguy hiểm trước khi quá muộn. Nếu hệ thống dây điện trong nhà đột ngột nóng đỏ hoặc bếp ga đỏ lửa, cảm biến sẽ phản ứng ngay lập tức.
Một trợ lý quan trọng khác – ổ cắm thông minh – cũng sẽ cảnh báo khi bạn quên tắt bàn ủi trong lúc vội vã. Khi thấy thông báo trên điện thoại thông minh, bạn có thể ngắt điện thiết bị, dù bạn đang ở đâu.
Sự thuận tiện
Đã đến lúc bạn có thể cho phép bản thân thực sự thư giãn và giao cho công nghệ làm một số việc trong nhà. Nhờ tự động hóa một số thiết bị nội thất, chúng ta có thể nâng tầm sự thoải mái và chăm sóc sức khỏe cho mình.
Chẳng hạn, công ty Eight Sleep đã phát triển một chiếc giường được trang bị cảm biến có khả năng theo dõi chất lượng giấc ngủ của người dùng dựa trên 15 thông số, bao gồm cả thời gian của giấc ngủ REM[1], giai đoạn ngủ sâu, và các mẫu hình nhịp tim. Các thông số này cho phép bạn chọn thời gian tối ưu để đi ngủ và thức dậy.
Một chiếc giường thông minh sẽ nhẹ nhàng đánh thức chủ nhân, vào lúc cơ thể sẵn sàng thức dậy, đồng thời tạo ra môi trường dễ chịu vào buổi sáng như bật nhạc êm dịu hoặc rung nhẹ, bật đèn hoặc khởi động máy pha cà phê bằng giọng nói.
Bên cạnh mang lại giấc ngủ thoải mái, một ngôi nhà thông minh cũng có thể giúp việc nấu nướng trở nên dễ dàng, thú vị và vui vẻ hơn rất nhiều. Ví dụ: Màn hình nhà bếp thông minh của công ty EYWA Kitchen là một bảng điều khiển nhỏ, kích cỡ khoảng một cánh cửa tủ kệ bếp tiêu chuẩn. Màn hình này phù hợp với bất kỳ căn bếp nào, biến nó trở thành một trợ thủ đắc lực. Màn hình này có thể:
- Tìm trên mạng công thức nấu các món ăn;
- Lập danh sách các nguyên liệu cần thiết;
- Mua nguyên liệu trên mạng;
- Đặt giao hàng đúng thời gian quy định;
- Bật các thiết bị gia dụng và hẹn giờ;
- Cho trẻ em xem phim hoạt hình;
Để sử dụng an toàn các giải pháp thông minh trong sinh hoạt hàng ngày (bao gồm nấu ăn, mua sắm, lựa chọn nội dung), bạn cần đảm bảo các thiết bị này cũng được an toàn. Nếu không, những kẻ tấn công có thể xâm nhập vào mạng gia đình và giành quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của bạn thông qua bảng điều khiển hoặc công tắc thông minh.
Bước đầu tiên và đơn giản nhất bạn có thể làm là thay đổi mật khẩu mặc định của thiết bị thành một mật khẩu phức tạp hơn, nhưng không nên dùng lại mật khẩu từ các tài khoản khác. Nếu bạn có nhiều thiết bị và cảm thấy khó nhớ được hết tất cả mật khẩu, bạn có thể sử dụng một giải pháp đặc biệt để bảo vệ hệ sinh thái của ngôi nhà thông minh. Giải pháp này không chỉ giữ an toàn cho mật khẩu mà còn cảnh báo cho bạn nếu mật khẩu đã bị xâm phạm.
Chăm sóc vật nuôi
Ngoài việc chăm sóc cho sự an toàn và thoải mái của chủ nhà, thị trường IoT còn có thể làm cho cuộc sống dễ dàng và tốt hơn cho vật nuôi. Theo nghiên cứu, quy mô thị trường công nghệ chăm sóc vật nuôi PetTech ở Mỹ đã đạt 5,5 tỷ đô la, bao gồm vòng cổ được kết nối, cửa, khay ăn, hàng rào, đồ chơi, v.v… thông minh.
Một số thiết bị thông minh cho thú cưng phổ biến nhất là khay ăn uống cho vật nuôi. Các loại khay ăn uống thông minh không chỉ giúp kiểm soát dinh dưỡng và ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều, mà còn cho phép bạn để chú mèo cưng của mình ở nhà một mình, mà không lo mèo đói hoặc làm đổ nước. Tất nhiên, trong một số tình huống, mèo cũng có thể chuyển sang chế độ sinh tồn. Chẳng hạn như mới đây, một con mèo đã được phát hiện ăn bìa các-tông và uống nước rò rỉ từ vòi trong suốt 52 ngày. Tất nhiên, không có người chủ nào muốn kịch bản này xảy ra cho thú cưng của họ.
Nếu việc cho ăn uống đã được quan tâm, các nhà sản xuất thiết bị thông minh còn có thể phát triển những sản phẩm nào khác hỗ trợ chăm sóc thú cưng? Trò chuyện với chó cưng của bạn thì sao?
Công ty khởi nghiệp FluentPet, đã ra mắt một thiết bị để giao tiếp giữa người và chó. Thiết bị là một bảng điều khiển với các nút được gắn ký hiệu. Với sản phẩm này, công ty muốn kiểm tra giả thuyết cho rằng động vật có thể bày tỏ cảm xúc và mong muốn của chúng bằng cách nhấp vào hình ảnh.
Một ví dụ khác là chuồng động vật thông minh được thiết kế để cải thiện sự thoải mái cho vật nuôi. Các loại chuồng thông minh này được trang bị điều khiển nhiệt độ thông minh và cảm biến môi trường để điều chỉnh nhiệt độ bên trong theo nhiệt độ bên ngoài. Ngoài ra, các loại chuồng thông minh này có thể giám sát sức khỏe, theo dõi và ghi lại dữ liệu hoạt động và giấc ngủ của vật nuôi. Tất cả thông tin này được đưa lên ứng dụng trên điện thoại thông minh để bạn kịp thời theo dõi sức khỏe thú cưng.
Sống thân thiện với môi trường
Bên cạnh sự tiện nghi và an toàn, công nghệ nhà thông minh còn giúp chúng ta sống thân thiện hơn với môi trường bằng cách sử dụng tài nguyên, chẳng hạn như điện nước, một cách hợp lý hơn.
Cảm biến có thể bật và tắt đèn tùy theo sự hiện diện của người trong phòng, hệ thống sưởi thông minh, cho phép bạn duy trì các thông số vi khí hậu nhất định trong mỗi phòng. Vào buổi sáng, khi mọi người đi học và đi làm, hệ thống có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng và tăng lên khi mọi người đã về nhà vào buổi tối.
Tuy nhiên, ngoài việc kiểm soát mức tiêu thụ, các ngôi nhà thông minh hiện đại còn có khả năng sản xuất năng lượng. Để sản xuất năng lượng, ngôi nhà sẽ được tích hợp sẵn các hệ thống sản xuất năng lượng thay thế như các tấm pin mặt trời, tuabin gió hoặc hệ thống địa nhiệt.
Tùy thuộc vào vị trí của tòa nhà, trong một số trường hợp có thể sử dụng năng lượng nước như dòng chảy hoặc thủy triều. Do đó, trung tâm điều khiển nhà thông minh không chỉ có thể kiểm soát mức tiêu thụ, mà còn có thể giám sát hoạt động sản xuất cũng như phân phối năng lượng một cách hợp lý.
Những ngôi nhà thông minh hiện đại được xây dựng mới với các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà này có mức độ rò rỉ nhiệt và phát thải CO2 tối thiểu. Tường, mái và các cấu kiện xây dựng thông minh khác có thể thông báo cho chủ nhà về các vấn đề của chúng: ngưng hơi ẩm hoặc rò rỉ nhiệt. Những thông tin này cho phép bạn kịp thời sửa chữa hư hỏng.
Nhìn chung, thị trường thiết bị thông minh đang tích cực phát triển, và các nhà sản xuất hệ thống đang cố gắng số hóa nhiều hơn nữa các yếu tố trong ngôi nhà. Những hoạt động này không chỉ nâng cao sự an toàn và thoải mái mà còn mang lại lợi ích cho môi trường. Nhờ đó, các ngôi nhà thông minh đang dần biến đổi từ một cụm các thiết bị đơn giản thành hệ sinh thái kỹ thuật số thực thụ gồm nhiều lớp, đi cùng với yêu cầu về mức độ bảo vệ tương ứng.