Xem nhanh
Hôm nay, Qualcomm đã tổ chức buổi họp trực tuyến công bố kết quả vòng chung kết Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam Mùa đầu tiên.
Qualcomm Technologies Inc., công ty con trực thuộc Tập đoàn Qualcomm, đã công bố top ba đội chiến thắng vòng chung kết mùa giải đầu tiên của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC). Thử thách QVIC 2021 đã mang tới cho 9 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng các chương trình huấn luyện kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và khuyến khích việc nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, và chọn ra 3 đội chiến thắng để được nhận tổng giải thưởng tiền mặt có giá trị 225.000 USD.
Chương trình QVIC được tổ chức vào năm 2019, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm mục đích ươm tạo các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy hứa hẹn. Chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ đang lớn mạnh của Việt Nam thông qua việc lựa chọn và hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, đồng thời khuyến khích các công ty này tạo ra những sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như 5G, IoT (Internet Vạn vật), trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo, truyền thông đa phương tiện sử dụng nền tảng di động và công nghệ của Qualcomm Technologies.
Các đội chiến thắng QVIC 2021:
Giải nhất: Rostek
Phương tiện tự hành dẫn đường tự động (AGV) và hệ thống quản lý phương tiện của Rostek cung cấp giải pháp số hóa, công nghệ cao giúp vận chuyển hàng hóa trong nhà kho và trên sàn nhà máy, tạo tiền đề giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu Công nghiệp 4.0.
Giải nhì: AIOZ
Robot giao hàng trong nhà BeetleBot của AOIZ ứng dụng trí tuệ nhận tạo và giao diện giọng nói để vận chuyển đồ vật như thực phẩm hoặc các kiện hàng ở môi trường trong nhà. BeetleBot đặc biệt thích hợp để sử dụng tại các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ giao hàng ‘tuân thủ’ giãn cách-xã hội.
Giải ba: BusMap (Phenikaa Maas)
Hệ thống camera hỗ trợ bởi trí tuệ nhận tạo với tên gọi bHub của BusMap cho phép người dùng theo dõi các yếu tố an toàn khi điều khiển phương tiện, bổ sung khả năng giám sát và nhận dạng hình ảnh mạnh mẽ trên thiết bị, giúp đảm bảo an toàn cho cả người lái và hành khách.
Trong năm vừa qua, 9 công ty khởi nghiệp được chọn đã nỗ lực vượt qua các thử thách nhằm cải thiện và đổi mới công nghệ, mang đến những sản phẩm tốt hơn nhờ tận dụng các lợi thế từ chương trình QVIC theo các giai đoạn sau:
- Giai đoạn nộp hồ sơ: Các công ty tại Việt Nam đăng ký trực tuyến để được lựa chọn tham gia QVIC 2020.
- Thông báo danh sách vượt qua vòng loại: Dựa trên giá trị sản phẩm, sự khác biệt và nội địa hóa công nghệ, cơ hội sở hữu trí tuệ hoặc quá trình phát triển, và mô hình kinh doanh, 9 đội xuất sắc nhất được chọn để tham gia chương trình huấn luyện.
- Giai đoạn ươm tạo: Các công ty khởi nghiệp được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Qualcomm tại phòng thí nghiệm R&D ở Hà Nội. Qualcomm đã tổ chức các buổi hội thảo và các khóa đào tạo kinh doanh với các chủ đề như cách vận hành, phát triển khách hàng, phân tích cạnh tranh, quản lý sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường toàn cầu, cũng như hoàn thiện kỹ năng kêu gọi vốn và sở hữu trí tuệ trong quá trình khởi nghiệp. Ngoài ra, mỗi công ty được hỗ trợ chi phí lên đến 10,000 USD cho các hoạt động ươm tạo và 5,000USD nếu nộp tối đa 2 bằng sáng chế.
- Vòng thi Chung Kết: Qua quá trình ươm tạo để hoàn thiện sản phẩm cũng như trau dồi kiến thức kinh doanh, các công ty khởi nghiệp trình bày các ý tưởng và kết quả mà họ gặt hái được từ chương trình trước ban giảm khảo là các chuyên gia trong ngành. Từ đó 3 đội thắng cuộc được chọn ra với giải nhất trị giá 100,000 USD, giải nhì 75,000 USD và giải ba được trao 50,000 USD.
- Sau chương trình QVIC: Các đội tham dự QVIC sẽ trở thành những thành viên trực thuộc mạng lưới toàn cầu của Qualcomm và được khuyến khích tham dự các triển lãm kinh doanh, các buổi gặp gỡ khách hàng, v.v…
Kể từ khi thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 2003 và tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014, Qualcomm Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong cách mọi người kết nối, tính toán và giao tiếp tại Việt Nam – bao gồm việc sử dụng 2G, 3G, 4G và hiện nay là 5G. Qualcomm Việt Nam đã hợp tác thành công với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà khai thác mạng di động hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm qua, và gần đây đã hỗ trợ các ngành cùng chính phủ hiện thực hóa chính sách Công nghiệp 4.0 và mục tiêu “Make in Vietnam”.
Cuộc thi QVIC 2022 vào năm sau đã chính thức mở đăng ký. Để biết thêm thông tin hoặc để đăng ký, xin mời xem tại: https://www.qualcomm.com/qvic
“Xin chúc mừng các đội đã chiến thắng trong vòng chung kết của Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam mùa đầu tiên”, Alex Rogers, Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm mảng Bản quyền công nghệ (Qualcomm Technology Licensing) và Hợp tác đối ngoại, cho biết. “Chương trình này được tạo ra để khuyến khích các công ty khởi nghiệp đưa ra những ý tưởng đổi mới và cho thấy thế mạnh cũng như sự sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Ba công ty khởi nghiệp chiến thắng chung kết năm nay đã gây ấn tượng với Ban giám khảo và chúng tôi tin rằng họ có tiềm năng rất lớn trong việc giúp thế giới kết nối thông qua sự cải tiến và hợp tác. Đây là những điều cần thiết trong việc xây dựng và duy trì một tương lai thịnh vượng với nền kinh tế định hướng đổi mới.”
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng ngày càng đa dạng của công nghệ IoT”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết. “Chương trình như Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam mang tới cho các công ty khởi nghiệp sự hỗ trợ cần thiết để họ trở thành những thành viên của hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu. Chúng tôi rất hoan nghênh ba đội đã chiến thắng và khuyến khích các cộng đồng khởi nghiệp của đất nước tiếp tục thể hiện khả năng đổi mới thần tốc cho Việt Nam.”