Một khảo sát mới đây về khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) tại Việt Nam do Visa, công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới, thực hiện cho thấy 62% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ xác nhận có doanh số bán hàng tăng trưởng sau khi chấp nhận các hình thức thanh toán số.
Xét trên bối cảnh cộng đồng châu Á – nơi phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số, và việc SMBs đang trở thành huyết mạch phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nữ giới trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp với trang bị đầy đủ về cơ hội và tiềm lực có thể góp phần thu về thêm 89 tỷ đô la lợi nhuận mỗi năm cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho 47% lực lượng lao động toàn quốc, SMBs đang đóng vai trò cốt lõi cho quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc triển khai chấp nhận thanh toán số cũng giúp quá trình quản lý doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn với 73% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Gần 3/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã chấp nhận các phương thức thanh toán số, trong đó 42% cho phép thanh toán qua thẻ. Điều này cũng cho thấy nhiều yếu tố mang tính quyết định đang mở ra xu hướng chuyển đổi số ở cộng đồng SMBs, bao gồm sự thuận tiện trong quản lý, tăng trưởng doanh số bán hàng và tính bảo mật cao so với hình thức chuyển khoản ngân hàng.
Đặc biệt, 2/3 nhóm SMBs tham gia khảo sát nhận định họ đã và đang hợp tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Tính riêng những doanh nghiệp đã và đang triển khai các hình thức thanh toán số, tốc độ tăng trưởng về doanh số bán hàng của đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ chạm mốc cao nhất (79%), so với những đơn vị không chấp nhận thanh toán thẻ (46%).
Với ưu điểm vượt trội, thanh toán số cho phép doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ngay lập tức và thực hiện giao dịch hàng ngày mà không cần sử dụng tiền mặt, từ đó cải thiện đáng kể trải nghiệm tiêu dùng. Ở vai trò công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới, Visa đang hỗ trợ doanh nghiệp SMBs Việt Nam thông qua việc phổ biến phương thức thanh toán số và tăng cường an ninh – bảo mật cho doanh nghiệp và khách hàng, cũng như đưa ra các biện pháp ngăn chặn rủi ro gian lận.
Bà Nguyễn Minh Trâm, CEO & Founder thương hiệu Sorella Beauty & Spa, chia sẻ: “Việc áp dụng phương thức thanh toán số đã tạo nên sự tăng trưởng ngoài mong đợi cho doanh nghiệp chúng tôi. Cá nhân tôi đánh giá cao sự thuận tiện, tốc độ giao dịch và khả năng theo dõi các khoản thanh toán một cách dễ dàng. Cách làm này cũng nâng cao trải nghiệm thanh toán cho khách hàng. Với kỳ vọng mở rộng thị trường ra nước ngoài, thanh toán số thực sự đã tạo điều kiện để chúng tôi thúc đẩy kinh doanh xuyên biên giới, nhờ đó tệp khách hàng cũng được mở rộng đáng kể”.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam và Visa tự hào được đồng hành cùng sự phát triển của khối doanh nghiệp SMBs thông qua việc ứng dụng thanh toán số an toàn và tiện lợi,” bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ. Bà Dung cũng nhấn mạnh: “Với cam kết hợp tác bền vững cùng doanh nghiệp, Visa sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, bước tiến mới trong lĩnh vực tài chính và thanh toán, nhằm tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Tại Việt Nam, Visa đang tích cực hỗ trợ chủ doanh nghiệp SMBs và các công ty khởi nghiệp trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác 3 năm với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2023, Visa đã khởi động Chương trình Tăng tốc SMB tại Việt Nam để đồng hành cùng khối doanh nghiệp này và các đối tác liên quan thông qua quá trình phát triển chính sách giá cạnh tranh, đẩy nhanh thủ tục đăng ký và hỗ trợ toàn diện để giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường.
Các sáng kiến mở rộng của Chương trình Tăng tốc SMB cũng tập trung vào việc mở rộng mạng lưới hợp tác trong trong hệ sinh thái đối tác rộng khắp của Visa, qua đó giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đơn vị kinh doanh nhỏ, đồng thời nhanh chóng triển khai các giải pháp tối ưu cho SMBs.
Đồng thời, Quỹ Visa (The Visa Foundation) cam kết hỗ trợ 100 triệu đô-la trong vòng 5 năm nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận giải pháp tài chính cho các SMBs do nữ doanh nhân lãnh đạo trong khối kinh tế APEC, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Mexico và Peru. Trong số gần 67 triệu SMBs mà Visa đã đồng hành, ước tính có tới 29,6 triệu SMBs đến từ các nền kinh tế trong khu vực APEC, bao gồm 10,9 triệu SMBs do phụ nữ đóng vai trò chủ quản.