Xem nhanh
Vào năm 2024, Microsoft đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI)
Hằng năm, Ngày An toàn Internet (Safer Internet Day) đều mang đến cơ hội để chúng ta dừng lại và suy ngẫm về mức độ an toàn trực tuyến—bao gồm những thành tựu đã đạt được cũng như những tiến bộ cần phát huy. Trong gần một thập kỷ qua, Microsoft đều hưởng ứng ngày này bằng cách công bố các nghiên cứu về cách người dùng ở mọi lứa tuổi nhận thức và trải nghiệm rủi ro trực tuyến.
Năm ngoái, Microsoft đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI). Năm nay, Microsoft đã nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ mọi người xem và sử dụng công nghệ này như thế nào, cũng như khả năng của họ trong việc nhận diện nội dung do AI tạo ra trong Khảo sát An toàn Trực tuyến Toàn cầu 2025.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy số người dùng AI trên toàn cầu đang tăng lên (51% từng sử dụng AI so với 39% vào năm 2023), nhưng đồng thời, mối lo ngại về công nghệ này cũng gia tăng (88% người được hỏi bày tỏ lo lắng về AI tạo sinh, cao hơn so với con số 83% vào năm ngoai). Hơn nữa, dữ liệu cũng chỉ ra rằng nhiều người đang gặp khó khăn trong việc nhận diện nội dung do AI tạo ra và điều này có thể làm gia tăng các rủi ro từ nội dung AI độc hại.
Trao quyền sử dụng AI có trách nhiệm
Microsoft luôn cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm. Điều cốt yếu là xây dựng một hệ thống an toán, vững chắc và bảo vệ các dịch vụ khỏi bị lạm dụng. Tuy nhiên, nhận thức rằng việc tạo ra nội dung độc hại là một trong những cách AI có thể bị lạm dụng, do đó Microsoft đang áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục để giải quyết vấn đề này.

Và nghiên cứu năm nay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết, truyền thông và hướng dẫn sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Tiếp nối việc ra mắt Cẩm nang An toàn cho Gia đình vào năm ngoái, năm nay Microsoft đã triển khai các chương trình mới nhằm trao quyền sử dụng AI có trách nhiệm cho người dùng như sau:
- Hợp tác với Childnet, một tổ chức hàng đầu của Vương quốc Anh, để tạo ra không gian mạng an toàn hơn cho trẻ em bằng việc phát triển các tài liệu giáo dục nhằm ngăn chặn việc lạm dụng AI, ví dụ như các nội dung giả mạo. Những tài liệu này sẽ được cung cấp cho các trường học và gia đình, cung cấp thông tin giá trị về cách bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trực tuyến. Lần hợp tác này thể hiện cách tiếp cận toàn diện trong việc giải quyết các rủi ro phát tán hình ảnh nhạy cảm không có sự đồng ý của người trong ảnh, bao gồm cả giáo dục cho đối tượng thanh thiếu niên.

- Trò chơi Minecraft “CyberSafe AI: Dig Deeper“ một trò chơi giáo dục do Minecraft và Minecraft Education phát triển với mục đích sử dụng AI có trách nhiệm. Trò chơi này được thiết kế để kết nối với giới trẻ, từ đó khuyến khích họ tìm hiểu về AI trong một môi trường trò chơi an toàn, có kiểm soát. Người chơi sẽ trải nghiệm những cuộc phiêu lưu thú vị, giải các câu đố và thử thách về vấn đề đạo đức khi sử sụng AI. Trò chơi này cũng sẽ trang bị cho họ những kiến thức để đối mặt với những tình huống an toàn kỹ thuật số trong thực tế tại nhà và trường học.
- Bản hướng dẫn AI dành cho Người cao tuổi: là kết quả của sự hợp tác giữa Microsoft và Trung tâm Hỗ trợ Dịch vụ Công nghệ cho Người cao tuổi (OATS), nhằm giúp những người trên 50 tuổi hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro từ AI, cũng như hướng dẫn để đảm bảo sử dụng AI một cách an toàn. Ngoài ra, nhân viên trực tổng đài của OATS cũng được tập huấn để xử lý các câu hỏi liên quan đến AI, từ đó giúp những người cao tuổi cảm thấy tự tin hơn trong việc sử dụng công nghệ và nhận diện, phòng chống lừa đảo.
Khảo sát An toàn Trực tuyến Toàn cầu 2025
Năm nay, Microsoft đã kiểm tra khả năng nhận diện nội dung do AI tạo ra của người tham gia bằng cách sử dụng hình ảnh từ bài kiểm tra “Thật hay Giả”. Bài kiểm tra yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ tự tin của họ trong việc phát hiện deepfake trước và sau khi xem một loạt hình ảnh.

Kết quả cho thấy 73% người được hỏi thừa nhận họ thấy rất khó khăn khi nhận diện hình ảnh do AI tạo ra, và chỉ có 38% hình ảnh được xác định chính xác. Microsoft cũng khảo sát người tham gia về những mối quan ngại phổ biến của họ đối với AI tạo sinh, trong đó có lừa đảo (73%), lạm dụng tình dục hoặc quấy rối trên mạng (73%) và deepfake (72%). Khảo sát cũng cho thấy chúng ta liên tục phải đối mặt với nhiều hình thức rủi ro trực tuyến khác nhau, trong đó 66% người được hỏi tiếp xúc với ít nhất một rủi ro trong năm qua.
Cam kết của Microsoft đối với an toàn mạng
Phương pháp tiếp cận của Microsoft tập trung vào việc trao quyền cho người dùng bằng cách nâng cao sự an toàn và quyền con người. Microsoft nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ người dùng tránh khỏi những nội dung và hành vi trực tuyến độc hại và bất hợp pháp, đồng thời đóng góp cho một hệ sinh thái trực tuyến an toàn hơn.
Ngoài ra Microsoft cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, bao gồm các giá trị cốt lõi như tự do ngôn luận, quyền riêng tư và quyền truy cập thông tin. Microsoft đạt được sự cân bằng này thông qua việc tinh chỉnh các biện pháp an toàn trên các dịch vụ khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào bản chất của dịch vụ và mức độ nghiêm trọng của rủi ro.

Phương pháp tiếp cận của Microsoft trong việc thúc đẩy an toàn trực tuyến luôn dựa trên nền tảng tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận.
Microsoft ủng hộ việc ban hành các quy định an toàn phù hợp và linh hoạt, ưu tiên cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro cụ thể, đồng thời khuyến nghị tránh áp dụng các biện pháp mang tính bao quát quá cao, có thể gây xâm phạm quyền riêng tư hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Microsoft sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý trên thế giới để tìm ra các giải pháp hiệu quả, giúp giảm thiểu những rủi ro lớn nhất, đặc biệt để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hợp lý.
Cuối cùng là tiêp tục thúc đẩy việc hoàn thiện các chính sách, luật lệ nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi nội dung độc hại do AI tạo ra, hướng tới một môi trường số an toàn hơn cho tất cả mọi người.