Xem nhanh
Trong khuôn khổ diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam – VFTE lần thứ năm, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ về chủ đề “FPT từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn”. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm bán dẫn mới của thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của Công nghiệp điện tử là đầu ra cho chip bán dẫn.
VFTE diễn ra tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chương trình năm nay có chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Báo VnExpress phối hợp tổ chức. Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Lãnh đạo Bộ TT&TT cùng Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp.
“Việt Nam có lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng trong sự phát triển ngành chip bán dẫn thế giới”
Tại phiên hội thảo chính của diễn đàn VFTE, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT chia sẻ về chủ đề “FPT – từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn”. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.
Tổng giám đốc FPT dẫn số liệu của CDI – quy mô thị trường Công nghệ Điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Bộ Công Thương thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Từ đó, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định: “Ngành Công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh – là đầu ra cho con chip. Vì vậy Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử”.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn. Để Việt Nam làm chủ chip bán dẫn, ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra doanh nghiệp công nghệ có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn; Đó là: Chính sách ngoại giao cởi mở; Ưu thế về Địa chính trị; Nguồn nhân lực trẻ và tài năng.
Đặt ra câu hỏi: Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu. Ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn: Thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn: Sản xuất; Dài hạn: làm chủ công nghệ lõi.
Từ câu chuyện hấp dẫn về hành trình nhiều gian nan của con chip suốt 10 năm của Tập đoàn, Tổng giám đốc FPT truyền cảm hứng để các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, vượt qua thách thức để đưa chip nói riêng và sản phẩm Make in Việt Nam nói chung ra nước ngoài. “Hy vọng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới”, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Sản phẩm Made by FPT được vinh danh tại Giải thưởng Make in Viet Nam
Tại Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023, Bộ TT&TT đã vinh danh sản phẩm, dịch vụ, giải pháp Made by FPT đạt giải thưởng Make in Vietnam gồm: Sản phẩm Chip, akaMES; Confidon, FPT IDCheck. Đây cũng là hệ sinh thái sản phẩm, giải pháp “Công nghệ số kiến tạo doanh nghiệp số thông minh” được FPT trưng bày tại sự kiện.
Trong đó, sản phẩm Chip (Mạch tích hợp – Integrated Circuit) được nhiều khách tham quan quan tâm tại gian hàng FPT. Năm 2022, Tập đoàn FPT thành lập Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC – Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase). FPT Semiconductor đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giải pháp điều độ sản xuất thông minh – akaMES lọt top sản phẩm số cho thị trường nước ngoài. akaMES là bộ phần mềm quản trị giúp các doanh nghiệp sản xuất vận hành linh hoạt. akaMES giúp giảm 90% giấy tờ truyền thống, đáp ứng 100% yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm 20% thời gian và 25% chi phí vận hành sản xuất cho doanh nghiệp.
Sản phẩm Confidon ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy trong chuyển đổi số ngành bảo hiểm. Sản phẩm hỗ trợ tự động hóa trong quy trình thẩm định, bồi thường, dự báo khách hàng rời bỏ công ty bảo hiểm. Hiện, sản phẩm được sử dụng tại Việt Nam và Philippines; Số lượng hợp đồng thẩm định và xử lý bồi hoàn lên đến 5000 giao dịch/ngày.
Giải pháp chống giả mạo xác thực số – FPT.IDCheck đáp ứng toàn diện nhu cầu xác thực dữ liệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, chiếm thị phần số một trong mảng Tài chính – Ngân hàng. Giải pháp giúp tự động trích xuất thông tin trên CCCD, phát hiện 100% các trường hợp dùng CCCD giả.
Chuyên gia FPT đưa giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển dựa trên AI
Trong phiên chiều của sự kiện, ông Vũ Hồng Chiên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn đã chia sẻ về chủ đề “Thách thức việc ứng dụng công nghệ AI thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt”. Từ việc lý giải thế nào là mô hình kinh doanh linh hoạt, chuyên gia FPT chỉ ra cách để doanh nghiệp ứng dụng AI giúp hoạt động hiệu quả.
Theo ông Vũ Hồng Chiên, tích hợp AI vào mô hình kinh doanh, bảo vệ dữ liệu và đảm bảo bảo mật thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu. FPT đưa ra giải pháp doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu để phát triển các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu của mình. Tiếp theo, doanh nghiệp có thể hợp tác với các đối tác cung cấp giải pháp AI uy tín để thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và rủi ro.
Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể phối hợp với những tập đoàn ngay trong nước để ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp của mình”, ông Vũ Hồng Chiên chia sẻ.
VFTE năm 2023 với chủ đề: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số- Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” là thời điểm để tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam.
Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thời gian tới, FPT tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và phát triển hệ sinh thái Made by FPT, làm giàu thêm sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và nền tảng Make in Vietnam.