Đầu năm 2018, Apple tổ chức một buổi họp kín nội bộ, nhắc nhở về tình trạng rò rỉ thông tin ngày càng nhiều. Trớ trêu thay, thông tin từ cuộc họp này cũng nhanh chóng được cả thế giới biết đến.
Mới đây, một tình huống tương tự xảy ra khi bản ghi chú nội bộ chứa thông tin Apple đã phát hiện ra 29 nhân viên của hãng làm rò rỉ thông tin ra ngoài. Có 12 người trong số này đã bị cảnh sát bắt.
Để những nhân viên của mình biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu tiết lộ các thông tin nội bộ ra ngoài và đến tay truyền thông, Apple ghi rõ: “Những người này không chỉ mất công việc tại Apple, mà còn vô cùng khó khăn khi đi xin việc ở nơi khác”. Một lần nữa, bản ghi nhớ nội bộ này lại bị mang ra khỏi phạm vi công ty.
Hãng đồng thời chú thích một số trường hợp thông tin bị lộ cụ thể. Ví dụ, cuộc họp do Trưởng bộ phận Kỹ thuật phần mềm Craig Federighi điều hành. Trong cuộc họp, Craig cho biết một số tính năng phần mềm cho iPhone có thể bị trì hoãn và ai đó đã đẩy thông tin này cho báo chí. Apple nhanh chóng tìm ra người tung tin và đuổi việc anh ta.
Trong một vụ khác, chi tiết về gói phần mềm chưa được công bố đã bị lộ, khiến thế giới biết về những bí mật của iPhone X và Apple Watch.
Táo Khuyết cho biết đội pháp lý điện tử đã giúp rất nhiều trong quá trình phát hiện ra nhân viên nào đã tung tin về iPhone X, iPad Pro, AirPods cho một trang blog.
Công ty đồng thời làm việc lại với các nhà cung cấp nhằm tránh các tài sản trí tuệ của mình bị trộm mất, đồng thời xác minh những cá nhân có tiếp xúc với dữ liệu này.
Dù nỗ lực, các thông tin nhạy cảm vẫn lọt ra khỏi bàn tay của Apple. Những công ty công nghệ như Apple có các biện pháp để tìm ra người làm rò rỉ thông tin bí mật. Hãng nhấn mạnh những nhân viên bị phát hiện có hành vi trên không chỉ mất việc tại công ty mà có thể phải ngồi tù và chịu phạt hành chính. Và mọi nhân viên, dù ở cấp bậc nào cũng có thể trở thành nạn nhân của chính hành vi mình gây ra.
Theo Phone Arena