Xem nhanh
Meta luôn nỗ lực tìm kiếm và ngăn chặn các tên miền lừa đảo giả mạo các thương hiệu của Meta trên internet bằng cách hợp tác với các đối tác, bao gồm các nhà đăng ký và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ toàn cầu.
Trong năm nay, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 liên kết (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam, và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Meta, Instagram, Threads và Reality Labs tại Singapore.
Đồng thời, trong năm nay, Meta cũng đã gỡ bỏ hơn hai triệu tài khoản trên các ứng dụng của Meta liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Philippines.
Hưởng ứng không khí sôi động của mùa lễ hội mua sắm cuối năm, Meta ra mắt chiến dịch nâng cao nhận thức về lừa đảo trên toàn cầu, giúp người dùng kết nối trực tuyến an toàn.
Ngoài ra, Meta chia sẻ các công cụ bảo mật mới nhất được triển khai trong năm nay trên Facebook Marketplace, Instagram và WhatsApp, cùng với các nghiên cứu mới về các hình thức lừa đảo trong mùa lễ hội, cũng như cập nhật về các giải pháp ngăn chặn các trang web lừa đảo. Bên cạnh đó, Meta đã hợp tác với Rachel Tobac, chuyên gia an ninh mạng hàng đầu, để chia sẻ về các chiêu trò lừa đảo và cách bảo vệ người dùng trên môi trường số.
Bí quyết phòng chống lừa đảo trong mùa lễ hội
Khi tìm kiếm quà tặng và ưu đãi trực tuyến, người dùng nên tham khảo những thông tin sau để giữ an toàn:
- Cảnh giác với các email và tin nhắn lừa đảo: Các đối tượng lừa đảo có thể gửi tin nhắn hoặc email từ một địa chỉ giả mạo thương hiệu nổi tiếng hoặc thậm chí là ngân hàng.
- Tránh chia sẻ thông tin cá nhân: Các đối tượng lừa đảo có thể đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách yêu cầu người dùng xác nhận thông tin ngân hàng qua tin nhắn hoặc email, hoặc tham gia vào các khảo sát trực tuyến.
- Cảnh giác khi thanh toán trực tuyến: Các đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu người dùng thanh toán trước hoặc sử dụng các phương thức thanh toán không cho phép hoàn tiền.
Những hình thức lừa đảo phổ biến trong mùa lễ hội
Bên cạnh việc liên tục phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo, Meta đã hợp tác với các nhà nghiên cứu mã nguồn mở tại Graphika để tìm kiếm và ngăn chặn những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong mùa lễ hội cuối năm. Meta đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn kẻ xấu đứng sau những chiêu trò lừa đảo này khi chúng xuất hiện. Các giải pháp này bao gồm chặn trang web và xóa tài khoản liên quan.
Theo Graphika, các hình thức lừa đảo phổ biến mà người dùng cần cảnh giác khi mua sắm bao gồm:
- Quà tặng Giáng sinh: Meta đã ngăn chặn các nhóm lừa đảo nhắm vào người dùng tại Pháp, Tây Ban Nha và Anh với hình thức lừa đảo về quà tặng và giải thưởng. Cụ thể, những kẻ lừa đảo thường đăng hình ảnh giải thưởng giả mạo trên nhiều ứng dụng, bao gồm Threads, X, Facebook và các diễn đàn trực tuyến như Quora. Khi có người bình luận trên các bài đăng, kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận họ để điều hướng sang các ứng dụng nhắn tin hoặc các trang web trên Google Sites, và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như email, số điện thoại, địa chỉ, tình hình tài chính để nhận quà.
- Các chương trình ưu đãi với mức giá hấp dẫn: Meta đã ngăn chặn các hình thức lừa đảo nhắm vào người dùng tại Anh, Pháp, Ý và Đức thông qua hình thức lừa đảo cung cấp đồ trang trí Giáng sinh với mức giá hấp dẫn. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng trái phép các video trên internet với lồng tiếng AI mô tả sản phẩm, và đưa ra những cảnh báo về việc số lượng có hạn, sau đó đăng lên Facebook, Pinterest cũng như các nền tảng khác. Khi người dùng phản hồi, họ sẽ được dẫn đến các trang web (bao gồm cả những trang tạo bằng dịch vụ Shopify) để mua hàng và thanh toán, nhưng sẽ không bao giờ nhận được sản phẩm.
- Các chương trình khuyến mãi và giảm giá: Meta đã ngăn chặn các nhóm lừa đảo cung cấp phiếu giảm giá và thẻ quà tặng giả cho người dùng nhằm bẫy họ cung cấp thông tin cá nhân tại Mỹ, Ấn Độ và Anh. Những đối tượng lừa đảo đăng bài trên nhiều nền tảng như Telegram, Facebook và Pinterest, dẫn người dùng đến các trang web giả mạo mạng xã hội và yêu cầu thực hiện một khảo sát về giới tính, tuổi, thu nhập, tình trạng công việc và mức độ quan tâm đến tiền mã hóa để tham gia rút thăm trúng thưởng. Những trang này còn hiển thị các bình luận giả từ người dùng trước đó khẳng định họ đã thắng giải “mặc dù nghĩ rằng đó là lừa đảo.”
Tại Việt Nam, một số hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm:
- Vé du lịch giá rẻ: Khi các gia đình lên kế hoạch đoàn tụ hoặc đi du lịch trong dịp nghỉ lễ, những kẻ xấu lợi dụng nhu cầu cao về phương tiện di chuyển giá cả phải chăng để đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho vé máy bay hoặc tàu xe. Để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tương tự, người dùng nên đặt mua trực tiếp vé du lịch qua các kênh bán chính thức hoặc các công ty du lịch có uy tín, hoặc kiểm tra tính xác thực qua các đánh giá của những khách hàng từng đặt mua.
- Phong bao lì xì điện tử giả mạo: Gần đây, lì xì điện tử đang trở thành một hình thức mừng tuổi mới bên cạnh những phong bao đỏ mà mọi người trao tận tay nhau vào những ngày đầu năm. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng xu hướng này để giả mạo người quen của nạn nhân và gửi những chiếc lì xì điện tử ảo qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin. Nếu người dùng nhấp vào các liên kết, họ có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Để tránh trở thành nạn nhân của chiêu trò này, người dùng nên xác thực danh tính của người gửi trước khi nhận những phong bao lì xì này.
- Ưu đãi thực phẩm: Người tiêu dùng dịp Tết cũng có thể gặp phải những chiêu trò lừa đảo trong lúc vội vã mua sắm nhu yếu phẩm cho dịp Tết. Kẻ xấu có thể giả mạo các đơn vị cung cấp thực phẩm để đưa ra các ưu đãi độc quyền nhằm lôi kéo khách hàng với mức giảm giá hấp dẫn. Để giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của những chiêu trò như vậy, người dùng nên xác minh thông tin từ nguồn đáng tin và mua hàng từ những nhà cung cấp uy tín.
Các công cụ ngăn chặn lừa đảo trên các nền tảng của Meta
Nhằm giúp người dùng kết nối an toàn trên mạng xã hội, Meta đã triển khai các công cụ ngăn chặn lừa đảo trên các nền tảng của mình, bao gồm Facebook Marketplace, Instagram, và WhatsApp.
- Facebook Marketplace: Khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, Meta sẽ hiển thị các cảnh báo để người dùng nhận biết các kịch bản lừa đảo phổ biến.
- Instagram: Nếu người dùng nhận được yêu cầu theo dõi từ một tài khoản bị nghi ngờ có hành vi lừa đảo, Meta sẽ gửi thông báo để nhắc nhở người dùng cảnh giác khi tương tác với những tài khoản này.
- WhatsApp: Khi nhận được tin nhắn hoặc lời mời thêm vào nhóm từ người lạ, người dùng sẽ được cung cấp thông tin chi tiết về người lạ hoặc nhóm chat.
Các chương trình hợp tác bảo vệ người dùng
Những đối tượng lừa đảo sẽ liên tục thay đổi chiến thuật và hiếm khi sử dụng một nền tảng duy nhất để tránh bị phát hiện. Do đó, việc hợp tác với cơ quan pháp luật và các ngành công nghiệp, bao gồm ngành dịch vụ tài chính, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn lừa đảo của Meta.
Meta đang liên tục cải tiến và mở rộng Chương trình Trao đổi Thông tin Lừa đảo FIRE (the Fraud Intelligence Reciprocal Exchange). Trong giai đoạn đầu, Meta đã triển khai chương trình này với các ngân hàng tại Anh và Úc, và dần mở rộng phạm vi tới các ngân hàng và các tổ chức trên toàn cầu. FIRE hỗ trợ các tổ chức tài chính chia sẻ thông tin về các hoạt động lừa đảo tiềm ẩn, từ đó giúp Meta hợp tác để bảo vệ và cung cấp cho người dùng những kiến thức về các vụ lừa đảo, cũng như cải thiện hệ thống phát hiện và bảo mật chủ động của Meta.
Nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến
Meta đang thực hiện các chiến dịch giáo dục an toàn kịp thời thông qua hợp tác với người nổi tiếng, các tổ chức phi chính phủ, nhà sáng tạo, nhóm người tiêu dùng và các bên liên quan khác.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Meta đã hợp tác với danh hài nổi tiếng Adal Ramones và Fede Cyrulnik trong chương trình hài kịch đêm khuya, “Your Security is Serious Business”, để chia sẻ các bí quyết an toàn với khán giả. Meta cũng đã hợp tác với người sáng tạo nội dung Holly Morris ở Anh và YouTuber kiêm streamer người Pháp, Henry Tran, để nâng cao nhận thức về lừa đảo dành cho giới trẻ.
Tại Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Úc và Singapore, hơn 30 triệu người đã được hướng dẫn về cách nhận diện và tránh lừa đảo phổ biến trong các nền tảng của Meta, và được điều hướng đến Trung Tâm Chống Lừa Đảo của Meta để tìm hiểu thêm.
Tại Việt Nam, vào tháng 7 vừa qua, Meta đã hợp tác cùng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai chiến dịch “Nhận diện lừa đảo”. Với sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi bật như Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Tun Phạm và Khánh Vy, chiến dịch trang bị cho hàng triệu người dùng kỹ năng nhận diện và đối phó với các hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua các video ngắn.
Là một phần trong nỗ lực bảo vệ người dùng, Meta sẽ tiếp tục chia sẻ các cập nhật về các giải pháp ngăn chặn lừa đảo, bao gồm các bí quyết an toàn và các bản cập nhật sản phẩm đã được triển khai trên các ứng dụng của mình.