Ở giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể dễ đổ “bệnh vặt” và gây phiền toái trong cuộc sống như hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

10 bệnh dễ xuất hiện khi chuyển mùa

Theo thống kê của khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ở thời điểm này so với cùng kỳ năm 2015 số lượng người bệnh đến khám tăng khoảng 20%, lên đến khoảng 6.200 bệnh nhân/ngày, thời điểm trong mùa thì chỉ khoảng 5.200 bệnh nhân/ngày.

Còn theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM, đây cũng là thời điểm số bệnh nhi đến khám gia tăng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Theo Th.s, Bs Âu Thanh Tùng, vào mùa nóng đặc biệt như năm nay thì diễn biến nắng nóng đến sớm và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe không phải chỉ đối với người bệnh mà cả người có sức khỏe bình thường. Ví dụ ở người lớn tuổi và trẻ em thì việc ăn uống kém hơn, giấc ngủ không đủ giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe chung.

Riêng đối với những người lao động ngoài trời hoặc hay thường xuyên phải di chuyển ngoài trời nắng nóng nhiều ( từ 11 – 15 giờ) hay thay đổi đột ngột nhiệt độ từ trong nhà mát mẻ, máy lạnh ra thời tiết nắng nóng thì dễ bị ảnh hưởng sức khỏe. Nắng nóng sẽ làm mất nhiều mồ hôi, nếu việc cung cấp nước không đầy đủ thì dễ bệnh hơn và mất năng suất lao động hơn.

Theo đó, việc thay đổi đột ngột nhiệt độ tác động trực tiếp lên đường thở khiến chúng ta dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, việc ăn uống kém hơn, hệ tiêu hóa làm việc kém hơn cộng với yếu tố thực phẩm dễ hư hỏng, bị vi khuẩn xâm nhập sẽ gây ra những bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nắng nóng làm tăng việc đổ mồ hôi, giữ thoáng mát ở da không tốt thì có thể gây ra các bệnh về da liễu.

Theo bác sĩ Tùng, để phòng một số bệnh giao mùa chúng ta nên hạn chế làm việc hoặc di chuyển ra đường vào khung giờ nắng nóng cao điểm ( từ 11 – 15giờ). Nếu buộc phải ra ngoài thì cần có những trang bị để tránh nắng nóng tác động trực tiếp đến cơ thể như áo, mũ, khẩu trang, bao tay… Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng  với nhiều nước, rau, trái cây cũng có thể cung cấp lại vitamin hay chất điện giải bị mất qua mồ hôi, giúp hạn chế tác hại của nắng nóng.

Tư vấn miễn phí hen suyễn cho trẻ

Theo ước lượng của Bộ Y tế, có 10% trẻ em trên thế giới bị hen suyễn. Nhằm cung cấp thêm thông tin giúp phụ huynh hiểu rõ hơn bệnh lý hen và cách chăm sóc con khi con vào cơn hen cấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Ba mẹ cùng con trong cơn hen cấp”.

Buổi sinh hoạt diễn ra từ 8 giờ-10 giờ ngày 29.5 tại Giảng đường 3A, Khu A, Bệnh viện Đại học Y dược, phường 11, quận 5, TPHCM. Phụ huynh đăng ký tham gia miễn phí qua phòng Hô hấp của Bệnh viện.

10 dấu hiệu bệnh thường mắc khi thời tiết chuyển mùa

1. Viêm xoang: Bệnh có thể gây sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, khó chịu.

2. Sốt xuất huyết: có biểu hiện sốt cao đột ngột và liên tục (39-40 độ C) trong vòng 2-7 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc mũi, miệng, nướu răng,…

3. Rối loạn tiêu hóa và tay chân miệng: thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như đi học tại nhà trẻ, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể tiêu chảy, nổi vết loét trong miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, có thể ở mông, gối. Trẻ có thể giật mình, sốt cao, nôn ói, run chi, loạng choạng, đảo mắt, li bì,…

4. Cảm lạnh: Gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu.

5. Viêm mũi: Bệnh khiến trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi, nặng đầu, đau mỏi chân tay, có thể sốt 38-39 độ C, bị nghẹt, quấy khóc…

6. Viêm amiđan: Trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Có khi trẻ bị nổi hạch góc hàm phản do amiđan sưng to. Viêm amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.

7. Viêm họng cấp: Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng.

8. Viêm phế quản: Thường xảy ra sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi… Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường. Nếu tình trạng kéo dài, không điều trị đúng dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi, viêm phổi nặng rất nguy hiểm cho trẻ.

9. Hen phế quản: Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa… Khó thở là biểu hiện điển hình, nhiều trường hợp cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.

10. Viêm thanh quản cấp: Thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi, với biểu hiện sốt nhẹ, khàn tiếng, ho ong ỏng, thở vào có tiếng rít. Trẻ có thể khó thở vào chiều tối về sáng, có thể diễn tiến đến suy hô hấp nặng, cần điều trị tích cực.

Theo nguoilaodong

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo