Xem nhanh
Sự hỗ trợ của Chính phủ đã tạo nền tảng cho cho việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng Công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân.
Theo Báo cáo “Cơ hội AI cho Việt Nam: một số khuyến nghị” do Google công bố ngày 11/07 vừa qua nhấn mạnh “Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực quan trọng như Y tế, Giáo dục, An toàn giao thông, dự báo Thời tiết, và phát triển hạ tầng AI để tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.”
AI cải thiện các yếu tố ảnh hưởng ngắn hạn và lâu dài đến đời sống người Việt
Trong vài năm gần đây, sử dụng AI đang tạo nên làn sóng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, với các dịch vụ chẩn đoán được hỗ trợ bởi AI bằng cách phân tích hình ảnh và dữ liệu y tế, thuật toán AI có thể phát hiện sớm các bệnh lý, cho phép bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị kịp thời và chính xác, theo đó giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
VinDr từ Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của tập đoàn Vingroup là một ví dụ minh họa cho ứng dụng y tế tích hợp AI giúp các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện bệnh chính xác hơn các tổn thương trên phổi, gan, vú và cột sống, có thể đạt độ chính xác trung bình trên 90% cho mỗi lần quét chỉ trong vài giây.
Trong giáo dục, các nền tảng học tập được hỗ trợ bởi AI và gia sư ảo đang cách mạng hóa trải nghiệm học tập cho học sinh, mang đến cơ hội học tập hấp dẫn và cá nhân hóa. Được biết Đại học FPT đang triển khai các chương trình đào tạo giúp giáo viên sử dụng AI trong nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc sử dụng AI cho các chương trình trọng điểm với những tác động rộng lớn đến đời sống người Việt đã và đang dần hiện thực hóa bởi các doanh nghiệp và tổ chức.
Báo cáo của Google dẫn ra một số minh chứng như Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế đang sử dụng AI để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên các tuyến đường ở Việt Nam, và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) áp dụng AI để phát triển các giống lúa chống chọi khí hậu, hỗ trợ nông dân Việt Nam ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Về phát triển bền vững cho môi trường, Dự án Coffee Vision sử dụng AI để xác định chính xác tình trạng phá rừng tại các khu vực sản xuất cà phê của Việt Nam, nhằm cải thiện đa dạng sinh học.
Một dự án thiết thực khác là nền tảng dự báo lũ tích hợp AI mang tên Flood Hub của Google giúp các trung tâm nông nghiệp của Việt Nam dự báo nguy cơ lũ lụt. Tầm quan trọng của việc dự báo chính xác lũ lụt giúp giảm thiểu rủi ro thiệt hại kinh tế và sinh kế, an toàn cho đời sống của nhiều người dân.
Các ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ những gì AI có thể làm được và Chính phủ Việt Nam đã sớm nhìn nhận những tiềm năng mà AI có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho quốc gia, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân trên khắp cả nước. Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 theo QĐ 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra tầm nhìn chiến lược, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.
Từ quyết sách chiến lược làm nền tảng, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, CMC, VNPT và VinGroup đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp và sản phẩm sáng tạo sử dụng AI, thực tế cho thấy rõ tiềm năng của AI trong việc mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI ở Việt Nam cũng gặp phải những thách thức riêng.
Xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của AI tại Việt Nam
Theo “Cơ hội AI cho Việt Nam: một số khuyến nghị” của Google cho rằng Việt Nam có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh khoa học và công nghệ thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dài hạn, đồng thời triển khai các phương pháp tiếp cận mới kết hợp công – tư để xây dựng hạ tầng AI.
“Không có một chiến lược đầu tư AI nào có thể phù hợp với tất cả các chính phủ nhưng công thức cơ bản để thành công là đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, cùng các công nghệ (như đơn vị xử lý đồ họa và siêu máy tính), cũng như các bộ dữ liệu mở của chính phủ.
Sau đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm dựa trên những sáng kiến nền tảng này. Một mô hình như vậy có thể thúc đẩy sự lãnh đạo đổi mới bằng cách tạo ra ý thức chia sẻ trách nhiệm giữa các khu vực công, tư nhân và học thuật trong việc phát triển AI và các công nghệ mới nổi khác.” – Báo cáo cho biết.
Để bổ sung cho các nỗ lực hiện tại của Chính phủ, Google đề xuất ba khuyến nghị chính để Việt nam có thể khai thác AI một cách an toàn và phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ này và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực số hóa và trí tuệ nhân tạo.
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo – đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, cải thiện và đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật số và năng lực lập trình, tạo môi trường chính sách hỗ trợ để giảm thiểu các rào cản đối với đổi mới, sáng tạo AI.
- Xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI – đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và tận dụng lợi ích từ AI, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn.
- Thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận cho mọi người – khai thác AI trong cơ quan chính phủ và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội quan trọng, đồng thời đảm bảo lợi ích của AI được lan tỏa rộng rãi.
Đào tạo nguồn nhân lực nền tảng cho kinh tế và chiến lược Quốc gia
Không chỉ những khuyến nghị giá trị, Google tổ chức các chương trình thực tiễn bao gồm phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi động Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” vào tháng 7/2024, một sáng kiến toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực AI của Việt Nam, bao gồm hai trụ cột chính: Kiến tạo cho Nhân tài và Kiến tạo cho Doanh nghiệp.
Mỗi trụ cột giải quyết các lĩnh vực then chốt để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và củng cố nền tảng để tối đa hóa việc áp dụng AI.
Cụ thể, trụ cột “Kiến tạo cho Nhân tài” là Chương trình Phát triển Nhân tài số cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khoá học, bao gồm khoá học mới ra mắt bổ sung – Trí tuệ nhân tạo AI của Google (Google AI Essentials) nhằm trang bị các kỹ năng AI mới nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó có nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên của hơn 80 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Được biết, Chương trình này được nâng cấp từ chương trình Phát triển Nhân tài số đã được Google và NIC ra mắt hồi tháng 7 năm 2022. Tính đến nay, Chương trình đã trang bị một bộ kỹ năng số quan trọng cho 60.000 người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam.
Về trụ cột “Kiến tạo cho Doanh nghiệp”, Google nhận thấy vai trò then chốt của các công ty khởi nghiệp (startup) địa phương trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp, Google đã cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu, cụ thể như các chương trình Google for Startups Accelerator với trọng tâm về AI, Google Startups Masterclass và Startup AI Space đầu tiên cùng với các giải pháp và cơ sở hạ tầng AI tiên tiến của Google dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong nước.
Bằng cách xây dựng nền tảng về nhân lực, chính sách, và hạ tầng nhằm khai thác sức mạnh của AI, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế, cải thiện dịch vụ công và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. AI không chỉ là một xu hướng ở Việt Nam mà nó còn là một động lực biến đổi đang định hình lại cuộc sống hàng ngày và mở ra những cơ hội mới để tăng trưởng và phát triển.